Cùng với toàn xã hội, đội ngũ thầy, cô giáo cũng đang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi thầy, cô có một cách học tập riêng nhưng nhìn chung đều vì các em học sinh (HS) thân yêu…
“Cô tiên” của những mảnh đời khó khăn
Cô Nguyễn Thị Oanh và ông Lưu Thiên Đức (Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM)
Hơn 10 năm qua, cô Nguyễn Thị Oanh – giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh – không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn mà còn là “cô tiên” của những mảnh đời khó khăn, bất hạnh thông qua quỹ thiện nguyện “Dòng sông yêu thương” được thành lập vào năm 2008.
Tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cô Oanh đã vận động được 5 tấn gạo, 20.000 quả trứng gà, 1.000 thùng mì tôm, 500kg đường trắng, 2.000 chai nước tương, 2.000 chai dầu ăn… phát cho bà con ở TP.HCM. Ngoài ra, cô còn ủng hộ 2.000 khẩu trang vải cho Huyện đoàn Hớn Quản, tỉnh Bình Phước; tặng 170 phần quà cho người cao tuổi ở xã Hố Nai 3 tỉnh Đồng Nai. Tháng 10-2020, một chuyến xe container chở 20 tấn nhu yếu phẩm và 30 triệu đồng tiền mặt từ TP.HCM về các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để cứu trợ cho bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9.
Đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam phải giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu, cô Oanh đã đến các miền quê giải cứu những vườn trái cây như khóm, cam, mít, thanh long…, đồng thời tìm kiếm nguồn lương thực mang về chia cho bà con TP.HCM.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán trái cây và rau củ, cô dùng để mua hơn 10 tấn gạo, gần 100 thùng khẩu trang y tế, hơn 400 chai cồn xịt khử khuẩn, hơn 300 thùng nước suối đóng chai, hơn 500 tấm kính chắn giọt bắn, 400 bộ bảo hộ y tế gửi đến đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân ở tuyến đầu chống dịch. Việc làm của cô đã góp phần khích lệ tinh thần các chiến sĩ áo trắng, áo xanh, áo vàng kiên cường đêm ngày cùng Chính phủ, nhân dân đẩy lùi đại dịch.
Cô Oanh chia sẻ: “Đối với bản thân tôi, học tập và làm theo lời Bác là phải luôn quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia với những người xung quanh. Tôi cũng coi đó là sự báo đáp của mình dành cho mảnh đất đã cưu mang, giúp đỡ để tôi có được như ngày hôm nay…”.
Bỏ tiền túi nuôi ước mơ đến trường của học sinh
Thầy Nguyễn Vương Quốc Luyện và cô Mai Thị Vân (Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Quang Trung)
17 năm qua thầy Nguyễn Vương Quốc Luyện – Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi – đã tiếp sức cho không biết bao nhiêu HS có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được thực hiện ước mơ đến trường và thành đạt.
Để làm được việc đó, thầy Luyện đã tiết kiệm chi tiêu, trích thu nhập hàng tháng của mình để đóng học phí cho HS khó khăn, cấp học bổng “Tiếp sức đến trường” cho những em vượt khó học giỏi. Mỗi năm, số tiền mà thầy Luyện và các mạnh thường quân đóng góp từ 30-40 triệu đồng. Đặc biệt, thầy Luyện còn dạy kèm miễn phí cho HS khó khăn, thành lập chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp các em hoàn thành tốt việc thi cử.
Không chỉ giúp đỡ về vật chất, thầy Luyện còn hỗ trợ về mặt tinh thần thông qua những buổi nói chuyện truyền cảm hứng. Theo đó, thầy đã mời những cựu HS vượt khó học giỏi về trường để chia sẻ các kỹ năng về thi cử… Những buổi nói chuyện dù với quy mô nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao. Mỗi giờ lên lớp, thầy đều động viên, kể những tấm gương vượt khó học giỏi để các em HS có thể nhìn vào đó nỗ lực hơn nữa trong học tập.
Qua sự giúp đỡ của thầy Luyện, nhiều HS đã ra trường, thành đạt và giữ những vị trí cao tại các cơ quan, doanh nghiệp. Trong số đó có nhiều em quay lại trường để cùng thầy tiếp tục giúp đỡ cho “đàn em”. Cứ thế, nhiều thế hệ HS của thầy Luyện đã đạt được ước mơ, thành công trong công việc và cuộc sống.
Thầy Luyện chia sẻ: “Học tập và làm theo lời Bác không chỉ là trở thành đảng viên gương mẫu, giáo viên sáng tạo mà còn phải biết quan tâm, thấu hiểu HS. Tùy theo khả năng, mỗi người có thể có những cách giúp đỡ khác nhau. Dù việc lớn hay nhỏ cũng sẽ giúp các em vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”.
Giúp học sinh hứng khởi học tập
Thầy Đặng Công Khánh (bìa trái) cùng đồng nghiệp
Với phương châm “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, thời gian qua thầy Đặng Công Khánh – Tổ trưởng hóa học Trường THPT Hồ Thị Bi, huyện Hóc Môn – không ngừng nâng cao trình độ, có nhiều sáng kiến trong giảng dạy.
Cụ thể, trong năm học 2020-2021, thầy Khánh đã có sáng kiến Xây dựng hệ thống câu hỏi chương “Nitơ – Photpho” trong chương trình Hóa học lớp 11 định hướng phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho HS THPT. Sáng kiến đã xây dựng được 25 bài tập thực tiễn trong giảng dạy và đánh giá ở chương “Nitơ – Photpho” thuộc các lĩnh vực sản xuất, môi trường, sức khỏe, y tế. Trong đó có 15 bài tập thực tiễn dạng tự luận có thể sử dụng lồng ghép, tích hợp trong quá trình dạy bài mới và 10 bài tập thực tiễn dạng trắc nghiệm khách quan dùng để kiểm tra, đánh giá HS. Bên cạnh đó, việc phân loại mức độ câu hỏi cũng giúp giáo viên dễ dàng áp dụng tùy theo tình hình thực tế lớp học: biết (5 câu, chiếm 20%), hiểu (9 câu, chiếm 36%), vận dụng (8 câu, chiếm 32%), vận dụng cao (3 câu, chiếm 12%). Sử dụng hệ thống bài tập thực tiễn vào giảng dạy môn hóa học đã giúp nâng cao hiệu quả dạy học, kích thích sự hứng thú học tập cho HS; qua đó cũng rèn luyện cho các em phương pháp học, nghiên cứu tài liệu hiệu quả.
Trong năm học 2021-2022, thầy Khánh tiếp tục xây dựng và thực hiện chủ đề STEM “Pha chế dung dịch rửa tay khô” trong chương trình Hóa học lớp 11. Chủ đề giúp HS tìm hiểu công dụng, thành phần và cách điều chế nước rửa tay khô, từ đó kích thích sự say mê tìm hiểu ứng dụng của bộ môn hóa học trong đời sống cho HS. Đây là một hoạt động trải nghiệm giúp HS hình thành năng lực thực nghiệm, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, khả năng giải quyết vấn đề, kích thích tư duy, sự hiểu biết góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Khánh bày tỏ: “Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, bản thân tôi luôn cố gắng nâng cao hiệu quả giảng dạy của tổ, tăng cường các hoạt động giáo dục STEM, các cuộc thi chuyên môn giúp HS hứng thú hơn trong học tập. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn có ý thức học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là một người đứng đầu trong tổ, với những kỳ vọng của phụ huynh, HS. Đó cũng là cách mà tôi học tập và làm theo lời Bác”.
Sông Hậu
Bình luận (0)