Chuyên gia Cyrus Luk cho rằng Eat Clean đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe song cũng có thể làm bạn trở nên ám ảnh về việc lựa chọn thực phẩm.
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đã giúp nhiều chế độ ăn kiêng ngày càng trở nên phổ biến, nhờ đó bạn có thêm lựa chọn cho công cuộc giảm cân, cải thiện vóc dáng. Tuy nhiên, những người làm công việc sáng tạo nội dung hay những người nổi tiếng trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng có đủ khả năng để đưa ra lời khuyên sức khỏe cụ thể. Việc quá tin tưởng vào thông tin từ các nền tảng này có thể là nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một khảo sát được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Ăn Uống và Rối loạn cân nặng cho thấy việc sử dụng Instagram nhiều có liên quan đến tỷ lệ mắc chứng orthorexia – một dạng ám ảnh về chất lượng thực phẩm. Một nghiên cứu khác thực hiện với người trưởng thành trẻ tuổi tại Mỹ cũng tìm thấy mối liên hệ giữa việc dùng mạng xã hội và xu hướng lo lắng trong chuyện ăn uống.
Chuyên gia dinh dưỡng Cyrus Luk.
Cyrus Luk, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế Matilda, Hong Kong, khuyến cáo không nên tuân thủ một cách mù quáng bất cứ chế độ ăn nào chỉ vì thấy những người khác đang áp dụng hay yêu thích nó. "Một kế hoạch ăn kiêng hay một bữa ăn phù hợp với người này chưa chắc đã đem lại kết quả tương tự cho người khác, do sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, lối sống… Khi bạn có bất cứ câu hỏi nào về dinh dưỡng, một chuyên gia dinh dưỡng có đầy đủ giấy tờ chứng nhận là lựa chọn tốt nhất. Họ được đào tạo và sẽ tư vấn cho bạn dựa trên tình trạng, sức khỏe, lối sống cụ thể của bạn. Các khuyến nghị của họ cũng được đưa ra dựa trên các bằng chứng khoa học", Cyrus nói. Chuyên gia người Hong Kong cũng phân tích một số ưu, nhược điểm của các chế độ ăn kiêng phổ biến hiện nay.
Nhịn ăn chỉ uống nước
Cyrus cho biết có thể giảm được khoảng 0,9 g mỗi ngày bằng cách nhịn ăn liên tiếp 24-72 giờ, chỉ uống nước. Việc nhịn ăn, chỉ uống nước trong một khoảng thời gian nhất định có thể làm giảm một số nguy cơ bệnh tật như cải thiện độ nhạy của insulin, huyết áp, tăng khả năng tái tạo tế bào… Tuy nhiên, những lợi ích này đều chưa được thử nghiệm trên quy mô lớn.
Việc nhịn ăn chỉ uống nước trong nhiều giờ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong thời gian ngắn, bạn có thể bị giảm đường huyết, huyết áp thấp, dễ dẫn đến tình trạng chóng mặt, choáng váng… "Nước không cung cấp năng lượng hay dinh dưỡng, vì vậy về lâu dài bạn có thể giảm được một lượng cân đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn trọng lượng hao hụt này lại là nước, glycopen, chất béo trong cơ thể và có thể là cả khối lượng cơ. Có thế dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng hệ miễn dịch và sức khỏe nói chung", Cyrus cho biết.
Đối với tác dụng giải độc, Cyrus nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy cơ thể phải bỏ thức ăn dạng cứng mới có thể thải độc.
Chỉ uống nước ép
Nước ép trái cây thường chứa lượng đường cao, rất ít chất xơ, protein và chất béo.
Nước trái cây tươi chứa nước, đường fructose, vitamin cùng nhiều khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, chúng có hàm lượng đường cao lại rất ít chất xơ, protein và chất béo nên không thể thay thế một bữa ăn thông thường có rau xanh và trái cây tươi ở dạng thô. "Trái cây, rau củ tốt cho sức khỏe nhất khi được tiêu thụ dưới dạng bình thường. Chế độ ăn kiêng chỉ có nước trái cây thường dẫn đến thiếu hụt calo nghiêm trọng nên giảm cân nhanh chóng. Và giống như nhịn ăn chỉ uống nước, hầu hết trọng lượng tiêu hao lúc này đến từ việc mất nước, glycopen, chất béo và cơ bắp.
Do lượng đường fructose cao lại không có chất xơ nên việc chỉ uống nước trái cây trong ngày có thể dẫn đến tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt. Về lâu dài, khi tiêu thụ lượng lớn đường fructose có thể kéo theo các vấn đề liên quan đến chuyển hóa, béo phì và suy dinh dưỡng do thiếu protein và chất béo. "Uống nhiều nước trái cây cũng có liên quan đến suy thận đối với những người có vấn đề về thận do lúc này, cơ thể phải hấp thụ quá nhiều oxalate", Cyrus phân tích.
Eat Clean
Chế độ này khuyến cáo tiêu thụ thực phẩm dưới dạng hữu cơ, toàn phần, tránh thực phẩm chế biến sẵn, tinh chế. Về mặt tích cực, Cyrus nói chế độ này có thể giúp kiểm soát lượng đường, chất béo xấu cùng muối và các chất phụ gia hiệu quả, nhờ đó giảm nguy cơ béo phì, ổn định huyết áp, mức cholesterol… Tuy nhiên, bạn dễ bị ám ảnh bởi những gì bạn tiêu thụ, có thể phát triển thành chứng biếng ăn, rối loạn ăn uống…
Cyrus tin rằng một số sản phẩm đóng hộp vẫn có thể được đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh. "Ví dụ, cá đóng hộp là nguồn cung cấp protein, chất béo lành mạnh lý tưởng. Các loại hạt đậu đóng hộp cũng tiện lợi và vẫn còn hàm lượng cao protein, chất xơ", anh nói. Cyrus khuyến cáo nên xem nhãn dán thông tin thành phần khi mua thực phẩm chế biến sẵn thay vì loại bỏ hoàn toàn một cách quá khắt khe.
Keto
Phương pháp này yêu cầu hạn chế tối đa lượng carb nạp vào cơ thể mỗi bữa, bổ sung vừa phải protein và chất béo không bão hòa. Keto được cho là đem lại hiệu quả giảm cân khá tốt nhưng mới chỉ được ghi nhận về kết quả ngắn hạn. "Trước mắt, rủi ro của chế độ ăn Keto là tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu do thiếu carb. Bạn cũng có thể bị thay đổi tâm trạng thất thường do não bộ cần đường từ carb để hoạt động", Cyrus nói. Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng việc quá tập trung vào protein và chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận.
Ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế như yến mạch, đại mạch, hạt kê… là nguồn cung cấp carb, giàu chất xơ, lành mạnh cho sức khỏe, có thể thay thế carb tinh chế có trong gạo trắng, bánh mì trắng.
Việc tiêu thụ nhiều đạm và chất béo trong thời gian dài cũng có thể kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Detox
Theo Cyrus, không có định nghĩa cụ thể nào về chế độ ăn kiêng giải độc, detox cơ thể, đa số đều nhịn ăn, ăn các loại thực phẩm cụ thể hoặc uống các thức uống bổ sung. "Chế độ ăn, uống để detox hiếm khi xác định được chất độc cụ thể mà cơ thể cần loại bỏ. Bên cạnh đó, cơ thể con người có thể tự đào thải hầu hết chất độc qua gan, mồ hôi, nước tiểu, phân. Chúng ta không cần thiết phải loại bỏ thức ăn để khử độc cho các cơ quan nội tạng", anh nói.
Theo chuyên gia, giữ cho chức năng gan, thận, đường ruột khỏe mạnh chính là cách tốt nhất để duy trì khả năng thải độc của cơ thể. Điều đó đòi hỏi một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.
Xu hướng video "những gì tôi ăn trong một ngày"
Trào lưu khoe thực đơn ăn trong ngày cũng được nhiều người quan tâm. Nhất là khi chủ nhân video là những người nổi tiếng, có vóc dáng lý tưởng. Tuy nhiên, theo Cyrus, có những thực đơn có phần thiếu hụt dinh dưỡng, không thể phù hợp với số đông do tuổi tác, tính chất công việc, lối sinh hoạt không giống nhau. Về lâu dài, những thực đơn kém lành mạnh như vậy có thể làm người xem suy nghĩ lệch lạc về việc ăn uống, từ đó o ép cơ thể, kéo theo các chứng bệnh liên quan đến rối loạn ăn uống.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)