Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hình tượng đa chiều của người mẹ trong phim

Tạp Chí Giáo Dục

Tình mẫu tử trên màn ảnh Việt hiện nay được phản ánh đa chiều, đậm hơi thở cuộc sống

Phim dài tập "Giấc mơ của mẹ" do đạo diễn Nguyễn Minh Chung thực hiện, được phát sóng độc quyền trên VieON lúc 20 giờ từ ngày 1-7. Phim được cho là có nhiều điểm mới về cách thể hiện, như duyên dáng và tình cảm, không sa đà vào bi kịch, căng thẳng.

Đủ các góc độ

Phim "Giấc mơ của mẹ" được Việt hóa từ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc vào năm 2015. Truyện phim xoay quanh cuộc đời bà Thanh (NSND Hồng Vân đóng). Bà hy sinh cuộc đời chăm lo cho chồng (NSƯT Hữu Châu) và 3 người con. Dù dành tâm huyết vun vén gia đình nhưng bà Thanh không được các con thấu hiểu, mãi đến sau này tình cảm yêu thương ấy mới được nhận rõ. Phim là hành trình giãi bày nỗi lòng của mẹ và là chặng đường học cách lắng nghe cha mẹ của con cái.

Hình tượng đa chiều của người mẹ trong phim - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Giấc mơ của mẹ”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

"Những người mẹ trong phim đều gặp phải một vấn đề đó là sai lầm trong việc dẫn dắt con cái đi theo hướng mà họ mong muốn. Dù rằng rất yêu thương con nhưng sự áp đặt này có thể khiến chúng phải chịu khổ. Phim không đơn giản là câu chuyện về người mẹ hay sự hy sinh của cha mẹ mà còn là một thông điệp thực tế nhắn nhủ đến những người con" – đạo diễn Nguyễn Minh Chung cho biết.

Phim "Thương ngày nắng về" do Bùi Tiến Huy – NSƯT Vũ Trường Khoa đồng đạo diễn, đang phát sóng phần 2 trên VTV3, cũng là một tác phẩm Việt hóa, khai thác câu chuyện gia đình bà Nga (NSƯT Thanh Quý). Bà Nga là một phụ nữ góa chồng, sống cùng em trai và 3 con gái. Ngoài bà Nga còn có bà Hiền (NSND Lan Hương) yêu thương con trai mù quáng, chỉ nghĩ đến lợi ích của con và ác cảm với con dâu. Bà Kim Nhung (NSND Minh Hòa) biến tình yêu con thành nỗi thù hận bởi quá khứ đau thương. Cả ba người được xem là đại diện cho 3 kiểu thương yêu con của các bà mẹ trong xã hội hiện nay nên nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Hình tượng người mẹ trên màn ảnh truyền hình Việt còn có bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà) trong phim "Hướng dương ngược nắng". Bà Bạch Cúc là người mẹ có vẻ ngoài mạnh mẽ, sang trọng, lạnh lùng, hành sự quyết đoán, đôi khi thủ đoạn nhưng sâu bên trong là tình yêu thương con hết lòng.

Người mẹ tên Lan do NSND Kim Xuân thủ diễn trong phim "Trói buộc yêu thương" lại là một hình tượng khác. Bà Lan góa chồng ở tuổi 40, một mình gồng gánh nuôi 3 con, trong đó có cả con riêng của chồng. Bà yêu thương con mình nhưng lại khiến chúng ngột ngạt, bức bối trong tình yêu thương đó dẫn đến phản kháng.

Tín hiệu tích cực

Trước đây, không ít nhà sản xuất chuyển hướng sang tình phụ tử qua nhiều phim: "Tía ơi", "Ngũ long công chúa", "Cha rơi", "Con anh con em, con người ta", "Hương đồng nội", "Con gái của bố già", "Về nhà đi con", "Hương vị tình thân"… Vài năm gần đây, hình tượng người mẹ được khai thác trở lại với sự đổi mới, dưới nhiều góc độ. Người mẹ không còn là hình ảnh hoàn hảo mà cũng có mặt tốt, mặt xấu với những chuyển biến nội tâm đa chiều. Thậm chí, cùng một phim, khán giả có thể thấy nhiều hình tượng người mẹ khác nhau, như trong "Thương ngày nắng về".

"Việc có nhiều phim về người mẹ, về tình cảm gia đình là tín hiệu tích cực, phản ánh sự quan tâm của mọi người dành cho đề tài này. Mỗi phim có cách truyền tải khác nhau, mỗi vùng miền lại có cách truyền tải khác nhau nữa nên không ngại sự so sánh khi 2 phim khai thác về hình tượng người mẹ chiếu cùng thời điểm phục vụ khán giả" – đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định.

Nhà biên kịch Đông Hoa cũng cho rằng việc khai thác hình tượng người mẹ nhiều chứng tỏ sự quan tâm của khán giả đối với chủ đề này. Theo các nhà chuyên môn, sự đổi mới trong xây dựng hình tượng nhân vật là để tạo sức hấp dẫn với khán giả, tăng sức hút cho các phim dài tập.

Tuy nhiên, mọi thứ nên đặt ở mức độ nhất định vì sự lạm dụng gây sốc để chiêu trò có thể khiến người xem tò mò nhất thời nhưng chắc chắn không mang đến giá trị lâu bền cho tác phẩm. Đặc biệt, hình tượng người mẹ luôn giữ vị trí thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người, dù biết khó hoàn hảo nhưng việc cố tình bôi đen sẽ tạo phản ứng ngược, trái với hiện thực, khó thuyết phục công chúng.

Khán giả ngày nay rất tinh tường và nhà làm phim cũng hiểu rõ điều này. Nếu khán giả nhận thấy sự khiên cưỡng, cố tình cường điệu hóa bi kịch thì sẵn sàng chỉ trích. Phim “Cây táo nở hoa” từng có giai đoạn bị chỉ trích vì xây dựng hình ảnh bà Ích (NSƯT Mỹ Duyên) là người mẹ quá nhẫn tâm, vô trách nhiệm đến vô lý tạo thành bi kịch cho bản thân và gia đình.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Bình luận (0)