Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhiều băn khoăn về văn học mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Diện mạo văn học mạng hiện nay không còn giống thời của các tác giả Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Hồng Sakura, Leng Keng, Anh Khang, Trần Thu Trang, Nguyễn Phong Việt, Hamlet Trương… nữa. Có rất nhiều người viết, và cũng rất băn khoăn.

Văn chương mạng nay đã khác 

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” (do Đại học Văn hóa Hà Nội và Câu lạc bộ Văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức mới đây), nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi nói: “Văn học mạng ngày nay đã rất khác văn học mạng những năm 2010”. Theo Đỗ Nhật Phi, chưa bao giờ những người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Trên các trang mạng xã hội có rất nhiều nhóm, cộng đồng người sáng tác, ở đủ các thể loại, đề tài, mức độ chất lượng.

Văn học mạng đang phát triển nhanh và có rất nhiều vấn đề về nội dung cần được đặt ra với cơ quan quản lý

Văn học mạng đang phát triển nhanh và có rất nhiều vấn đề về nội dung cần được đặt ra với cơ quan quản lý

Họ rất trẻ, có những bạn còn đang là học sinh cấp II. Họ viết một cách bản năng, và ít nhiều tùy tiện. Dưới ảnh hưởng của tiểu thuyết mạng Trung Quốc, truyện tranh Nhật Bản, dòng chủ lưu trên mạng hiện tại là truyện dài. Nhà văn mạng viết hằng ngày, theo đơn đặt hàng, chạy “deadline” như một nhân viên công sở. Chất lượng thượng vàng hạ cám.

Văn chương mạng thường gắn “mác” rất cụ thể, không chỉ là thể loại, đề tài, mà còn là một số khung cốt truyện đã được quy ước từ trước. Ví dụ: tổng tài (nhân vật nam chính thành công, giàu có), đam mỹ (tình yêu đồng tính nam), bách hợp (tình yêu đồng tính nữ), cường công nhược thụ (tình yêu giữa một người mạnh mẽ và một người yếu đuối)… Ngay cả trong những thể loại thuộc về trí tưởng tượng như kỳ ảo hay khoa học giả tưởng, cũng chia ra tiên hiệp, tu tiên (lấy bối cảnh Trung Quốc cổ đại, miêu tả con đường tu tiên của một người bình thường), huyền huyễn (kỳ ảo, đầy phép thuật), hard sci-fi (sử dụng các yếu tố khoa học cực kỳ chân thực, chính xác), soft sci-fi (“thoáng” hơn với những thứ gọi là khoa học)…

Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân đánh giá: “Văn chương mạng ở nước ta hiện nay về nội dung lẫn hình thức hầu như chịu ảnh hưởng của văn học mạng Trung Quốc; nhưng dở hơn”. “Mạng xã hội, trong văn chương cũng như trong hầu hết các lĩnh vực khác, đang dần trở thành một hệ thống “dân gian” mới, cập nhật nhanh hơn và lan truyền rộng hơn”, nhà văn Đỗ Nhật Phi nhận xét.Theo nhà văn Đỗ Nhật Phi, chưa bao giờ, những người viết  văn chương mạng lộ diện dày đặc như ngày nay.

Theo nhà văn Đỗ Nhật Phi, chưa bao giờ, những người viết văn chương mạng lộ diện dày đặc như ngày nay.

Từ văn học mạng phải tiến tới văn học chữ viết

Nhà thơ Hữu Việt – Trưởng ban Văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) – nói: “Một số tác giả văn học mạng nói với tôi rằng, khởi đầu có thể là văn học mạng, nhưng con đường cuối cùng vẫn là văn học chữ viết”. Anh giải thích, vai trò của người biên tập viên quan trọng vô cùng. Công việc biên tập làm nên tác phẩm văn chương; còn văn học mạng, tác giả thích gì đăng nấy, không qua bất cứ công đoạn biên tập kỹ càng nào.

Nhà thơ Hữu Việt kể lại sự ra đời của cuốn sách Quân khu Nam Đồng – tác giả Bình Ca, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ – một trong những “hiện tượng” của làng sách năm 2015. Một ngày, Hữu Việt nhận được bản thảo kể lại những kỷ niệm về Hà Nội một thời từ ông anh trai Bình Ca. Khi nghe Hữu Việt khen, Bình Ca hí hửng: “Anh đăng Facebook nhé”. Hữu Việt khuyên anh gửi đến NXB Trẻ, vì đây là một bản thảo tốt, ở đó sẽ có những biên tập viên lành nghề chăm chút và hoàn thiện tác phẩm.

Ngoài ra, họ còn là cầu nối liên kết tác giả với công chúng, quảng bá tác phẩm rộng hơn. “Nếu không có bàn tay chăm sóc của các biên tập viên, của NXB, chắc chắn sẽ không có một Quân khu Nam Đồng hấp dẫn như vậy. Nếu đăng lên Facebook, liệu cuốn sách có “hot” đến vậy?”, nhà thơ Hữu Việt nói.

Theo Hữu Việt, “trong điều kiện hiện nay, nhiều NXB tìm tác giả mới trên nền tảng mạng xã hội nhưng chưa đủ. Phải đi thêm một bước nữa, là từ văn học mạng tiến tới văn học chữ viết”. Tuy nhiên, ý kiến của nhà thơ Hữu Việt cũng khiến vài người băn khoăn: Nếu tiến thêm một bước như thế, văn học mạng có còn là văn học mạng?

Ảnh hưởng lớn từ văn học mạng Trung Quốc 

Hiện, ở nước ta, văn học mạng “đậm đặc” ảnh hưởng từ văn học mạng Trung Quốc. Có thể tạm chia thành hai bộ phận chính: một dạng xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội, Facebook, blog… của chính tác giả; dạng còn lại là tác giả người Việt dịch văn học mạng Trung Quốc sang tiếng Việt, hoặc tác giả người Việt bắt chước phong cách của các tác giả của văn học mạng Trung Quốc sáng tác nên văn học mạng Việt Nam. Dạng thứ hai thực sự đáng bàn. Trong khi ta có cơ chế duyệt phim, duyệt xuất bản… để tránh những vấn đề trái thuần phong mỹ tục, gây hại cho an ninh quốc gia… việc thả nổi hoạt động của các trang/nền tảng dạng này đang là điều đáng lo. 

Chỉ cần gõ vài từ khóa đơn giản, không khó để bắt gặp rất nhiều website/nền tảng đọc truyện trực tuyến thu hút số lượng người đọc khủng hiện nay như truyenfull.vn, sstruyen.com, nettruyenco.net, wattpad.vn, thichdoctruyen.net… Trên các trang này, có những tiểu thuyết mở đọc miễn phí với người dùng; có truyện thu phí, có truyện chỉ miễn phí mấy chương đầu. Chúng ta có các điều luật để quản lý các hoạt động không gian mạng; nhưng các trang này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Đậu Dung/PNO

Bình luận (0)