Các cơ sở giáo dục từ miền núi đến thành thị, tiếp tục bày tỏ sự sốt ruột khi dạy học theo hướng hoàn toàn mới nhưng phương án thi cử theo chương trình mới sẽ ra sao, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH…
Tuần qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có các buổi làm việc với cơ sở giáo dục ở Hà Nội, Bắc Kạn… về việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT).
Dự kiến có thêm môn sử vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu có buổi làm việc với cán bộ, giáo viên (GV) Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), về thực hiện chương trình GDPT mới. "Bộ muốn nghe ý kiến của khối trường tư thục về nội dung này" là lời của người đứng đầu ngành GD-ĐT tại buổi làm việc.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng hiện nay cùng với việc dạy học theo chương trình GDPT mới thì điều GV, học sinh (HS) và cả phụ huynh đều rất muốn biết là kỳ thi cuối cấp theo chương trình mới sẽ ra sao, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025. "Phụ huynh có tâm lý thi gì học nấy, quan tâm đặc biệt đến việc thi cử của con mình thế nào nên con vào lớp 1 đã hỏi thi vào lớp 6 ra sao, vào lớp 6 đã lo thi lớp 10, lên lớp 10 thì lo thi tốt nghiệp, thi ĐH… nên mong Bộ GD-ĐT sớm công bố kế hoạch thi với HS tốt nghiệp lớp 12 theo chương trình mới để nhà trường và phụ huynh yên tâm", bà Thúy đề nghị.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong đó dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, lịch sử, ngoại ngữ. NHẬT THỊNH
Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Các thầy cô giáo và các em HS hoàn toàn yên tâm là Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với thực tế dạy học theo chương trình GDPT 2018". Đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá, đổi mới thi tốt nghiệp THPT phải trên cơ sở giảm áp lực, giảm chi phí tốn kém nhưng vẫn phải đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của HS để làm căn cứ xét tốt nghiệp, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển.
Đặc biệt, lần đầu tiên lãnh đạo Bộ GD-ĐT "hé lộ" thông tin ban đầu về kỳ thi khi nêu dự kiến: "Hiện HS lớp 10 học theo chương trình GDPT 2018 có 6 môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, lịch sử. Căn cứ vào đó, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, lịch sử, ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT cũng đang cân nhắc có thể có thêm một số môn thi lựa chọn để HS chọn theo môn học mà các em chọn học ở cấp THPT. Điều này đảm bảo để các cơ sở giáo dục ĐH có cơ sở xét tuyển cho phù hợp".
Tuy nhiên, ngay sau đó ông Độ nhấn mạnh: "Đó là tinh thần Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và dự kiến chứ chưa phải phương án chính thức. Bộ GD-ĐT đang cùng các chuyên gia xây dựng, xin ý kiến góp ý và khi ra được phương án thì sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt".
Chưa dừng ở đó, tối cùng ngày, Trung tâm truyền thông của Bộ GD-ĐT cũng gửi thư điện tử tới tất cả các báo để nhấn mạnh những phát biểu của Thứ trưởng Độ về kỳ thi 2025 chỉ là "phương án dự kiến, chưa được phê duyệt".
Sốt ruột chờ công bố phương án thi
Cử tri tỉnh Tuyên Quang cũng bày tỏ sự sốt ruột khi đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để HS có cơ sở chọn môn học phù hợp với khả năng, định hướng nghề nghiệp. Văn bản trả lời của Bộ trưởng cho biết: "Bộ GD-ĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét. Sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế thi tốt nghiệp THPT theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt ngay từ năm 2023 để triển khai thực hiện hiệu quả phương án".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 3 từ phải sang) làm việc với Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) về thực hiện chương trình GDPT mới. THẾ ĐẠI
Làm thế nào để GV không còn "bám chặt" vào SGK ?
Trong buổi làm việc của Bộ GD-ĐT tại Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu, dù chia sẻ những thuận lợi lớn của trường tư thục về cơ sở vật chất, lương GV… khi thực hiện chương trình GDPT mới nhưng bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chưa có GV nào của trường có đủ năng lực và được đào tạo để dạy cả 3 phân môn trong môn học tích hợp mới ở cấp THCS là môn khoa học tự nhiên.
Bà Thúy cũng nêu thực tế dù đã thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) và SGK không còn là "pháp lệnh" nhưng vẫn còn một số GV đang "bám chặt" SGK như thói quen cố hữu, không có sách GV như trước khiến một số thầy cô lúng túng khi soạn giáo án.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng chương trình thay đổi lớn, nhưng trong thực hiện không nên cực đoan, chuyển từ cực này sang cực khác, mà cần hài hòa, kế thừa những tích cực từ cái cũ. Ví dụ, tránh cực đoan trong chuyển từ giáo dục nặng về trang bị kiến thức, sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Kiến thức cũng có giá trị quan trọng, phải có kiến thức mới hình thành được năng lực, chỉ có điều không phải lấy kiến thức làm mục tiêu.
Nên có phương án giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT Cần giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT ít nhất trong 5 năm liền, tránh việc thay đổi gây tâm lý lo lắng trong HS, phụ huynh là cần thiết. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, xin đề xuất như sau: Về môn thi, HS phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ bằng hình thức tự luận và 3 môn tự chọn (tổ hợp) bằng hình thức trắc nghiệm trong số các môn: lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và nghệ thuật. Riêng môn ngữ văn, HS chỉ thi viết phần làm văn nội dung nghị luận về văn học hoặc nghị luận về xã hội, đủ để đánh giá năng lực cảm thụ văn học. Còn môn tiếng Anh nên kiểm tra 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đáp ứng chuẩn chung của quốc tế. Về xét tốt nghiệp, kết quả các bài thi tốt nghiệp là điểm số duy nhất để xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH mà không có sự tham gia tính điểm học bạ như hiện nay. Trên đây là ý kiến cá nhân với mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ngày càng đảm bảo chất lượng, tạo cơ sở tin cậy cho các trường ĐH tuyển sinh, đáp ứng chương trình GDPT 2018. Nguyễn Văn Lực (GV Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) |
Thiếu GV nhưng vẫn phải cắt giảm biên chế Vấn đề biên chế GV trong bối cảnh thiếu trầm trọng GV thực hiện chương trình mới tiếp tục là vấn đề được kiến nghị nhiều nhất. Tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn về thực hiện đổi mới GDPT trong tuần qua, báo cáo của UBND tỉnh này cho biết đội ngũ GV hiện còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu theo từng môn học, cấp học, đặc biệt là cấp tiểu học thiếu GV dạy môn tin học, tiếng Anh đối với lớp 3. Bên cạnh đó, còn thiếu GV ở một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng nên nhiều GV vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ GV hợp đồng. Tỉnh này kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ không thực hiện cắt giảm biên chế GV đối với ngành GD-ĐT, đồng thời nghiên cứu thực hiện tinh giản có xem xét tới yếu tố vùng, miền… Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đoàn đại biểu ở địa phương cần lên tiếng mạnh mẽ về việc cắt giảm biên chế trong ngành giáo dục, nếu có cắt giảm phải tính đến đặc thù của địa phương. Cần có chiến lược xây dựng lực lượng GV, hỗ trợ nhà giáo vì đây là nhân tố quyết định. |
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)