Chiều ngày 10-7-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu và chỉ đạo tại buổi làm việc
Theo báo cáo của Thành ủy Cần Thơ và các ý kiến tại buổi làm việc, trong tình hình phải chịu tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid -19, GRDP năm 2021 giảm 2,79%. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng GRDP của Cần Thơ phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 8,04%, xếp 21/63 địa phương, cao hơn bình quân cả nước (6,42%).
Tại buổi làm việc, Cần Thơ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ một số nội dung như: Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ; Dự án đầu tư, xây dựng tuyến đường kết nối Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và dự án cầu Ô Môn; chuyển đổi thêm diện tích đất phi nông nghiệp trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Các vấn đề liên quan chuỗi dự án điện – khí Lô B với Trung tâm Điện lực Ô Môn. Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91; Giải quyết một số khó khăn liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP).
Quang cảnh tại buổi làm việc
Trước những đề xuất, kiến nghị của TP. Cần Thơ, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các đề xuất của thành phố. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Cần Thơ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên tinh thần xuống tận cơ sở, khảo sát thực tiễn, có tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề… và yêu cầu TP.Cần Thơ phải quyết liệt thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị, và Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL; Các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về phát triển Cần Thơ, phù hợp quy hoạch vùng ĐBSCL và cả nước.
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trình bày các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng yêu cầu thành phố quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine phòng Covid -19 và chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư thiết bị y tế theo quy định; Bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân trên tinh thần sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết… tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH.
Đối với vướng mắc trong triển khai các dự án, trong đó, về đề nghị chuyển đổi cơ chế Hợp đồng đối với chuỗi dự án khí Lô B, Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 37/TTg-CN ngày 2-6-2020 về cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện và tiêu thụ khí… liên quan đến dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn và dự án Nhà máy Điện Ô Môn III. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, tổng thể trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, khẩn trương báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó có việc sửa đổi các quy định của pháp luật nếu cần thiết. Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan phát huy trách nhiệm cao nhất, tất cả vì công việc chung trên cơ sở "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, của cử tri.
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đi khảo sát thực địa cảng Cái Cui
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng và Đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa, nghe báo cáo tình hình hoạt động và những khó khăn vướng mắc tại cảng Cái Cui và Tân cảng Cái Cui để nghiên cứu việc phát triển nơi đây thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Hiện nay, gần 20 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu của vùng phần lớn đi qua các cảng ở Đông Nam bộ, gây tốn kém nhiều về chi phí, thời gian.
Đan Phượng
Bình luận (0)