Thể chế phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã là “chiếc áo quá chật”. Vì vậy rất cần có sự đổi mới mang tính đột phát về tư duy nhằm tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế phát triển vùng; để từ đó vùng tiếp tục phát huy tốt vai trò trung tâm KT-XH của khu vực phía Nam cũng như cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị
Các đề xuất này được các nhà quản lý nêu ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 vừa diễn ra tại TP.HCM. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thiếu “nhạc trưởng” điều phối phát triển vùng
Ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng, thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm và tầm nhìn đến các năm sau của vùng Đông Nam bộ phải xác định mục tiêu, định hướng là vùng phát triển năng động, có tác động tăng trưởng kinh tế cao. Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ, hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng, bất động sản.
Theo đó, giải pháp thực hiện cần đổi mới thể chế mang tính đột phát về tư duy phát triển KT-XH vùng thay cho tư duy phát triển KT-XH địa phương thông qua cơ chế điều hành và phân bổ ngân sách. Cần thống nhất quan điểm “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, cùng phát triển động lực và phải thấy được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong đó.
Mặt khác, khi lập quy hoạch vùng cần chú ý phát huy tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Có giải pháp đồng bộ về đầu tư kết nối hạ tầng KT-XH, tăng thêm nhiều dự án đầu tư mang tầm ảnh hưởng cả vùng. Xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho vùng nhiều hơn để nuôi dưỡng nguồn thu và phát huy tiềm năng của vùng.
Ông Ngân nhấn mạnh, Đông Nam bộ cần một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, mở ra cơ hội mới, cơ chế mới phát huy tiềm năng và lợi ích của vùng. Các cơ chế này phải đặt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế giữa các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – cho rằng, phải nâng cao hiệu quả và hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối vùng. Muốn làm tốt cần có “nhạc trưởng” là một Phó Thủ tướng chỉ huy vùng. Nếu chỉ huy tốt có khi vùng không cần nguồn lực từ Trung ương mà tự thân các tỉnh đã phát huy xung lực mới…
Lãnh đạo các tỉnh, thành Đông Nam bộ đều cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữ vững vai trò đầu tàu về KT-XH, khoa học công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Kinh tế vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. TP.HCM đóng góp trên 50% vào tăng trưởng của vùng. Những năm gần đây việc TP.HCM tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng.
Nguyên nhân do thể chế hiện hành chưa khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng, trong khi đó vai trò của ban chỉ đạo và hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức.
Đề xuất các định hướng chính của nghị quyết mới về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – đề xuất Trung ương nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc. Đồng thời phát triển liên kết triển giao thông vùng, nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng; phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về KT-XH cũng như hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và đầu tư phát triển TP.HCM để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng, cả nước, trọng tâm là ban hành nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 của Quốc hội với những cơ chế đặc thù, vượt trội.
Phải tập trung 3 đột phá chiến lược
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vì thiếu quy hoạch hiện đại, phối hợp còn lỏng lẻo, cơ chế điều phối và chính sách huy động nguồn lực chưa thực sự hiệu quả để tận dụng tối đa các cơ hội, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
Từ kết quả tổ chức Nghị quyết 53 và Kết luận 27, Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ trương, đường lối của Đảng đã rất rõ, vấn đề là phải tiếp tục tổ chức thực hiện như thế nào cho đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; kịp thời phát hiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Lưu ý vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Từ tư tưởng này mạnh dạn làm các cơ chế, chính sách, phát huy tính chủ động của các địa phương nhưng phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng.
Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới vùng vẫn phải tập trung 3 đột phá chiến lược, đó là đột phá hạ tầng giao thông, hạ tầng số, năng lượng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển vùng; cơ chế chính sách đột phá, thể chế để huy động nguồn lực.
Theo đó, cách thức tổ chức thực hiện cần liên kết chặt chẽ, hiệu quả. Cần có một “nhạc trưởng” lãnh đạo hiệu quả, thực chất. “Nhạc trưởng này sẽ đề xuất, bàn trong nghị quyết sắp tới”, Thủ tướng nói.
Song song đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương, đơn vị. Đặc biệt các bộ ngành tích cực, chủ động phối hợp xử lý các vấn đề đặt ra với các địa phương, doanh nghiệp trong vùng thực chất, hiệu quả, không để các địa phương phải chạy lòng vòng, chuyển công văn nhiều lần mà không giải quyết được vấn đề.
Cần có cơ chế, chính sách hiệu quả để huy động nguồn lực, hợp tác công – tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, phát triển hài hòa, ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển vùng, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)