Hơn 9.000 nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc trong 18 tháng qua (từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 6 năm 2022) là con số được Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Đây không chỉ là mất mát của ngành y mà còn là thiệt thòi của người bệnh…
Một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Ảnh: H.Tr
Mỗi ngày có 22-23 nhân viên y tế nghỉ việc
Số liệu từ các sở y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho thấy, năm 2021 cả nước có hơn 5.200 NVYT nghỉ việc. Tuy nhiên chỉ 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 4.000 người, gồm hơn 3.700 người do sở y tế quản lý, gần 360 người công tác tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Như vậy là trung bình mỗi ngày cả nước có từ 22-23 NVYT nghỉ việc.
TP.HCM là địa phương có số NVYT nghỉ việc nhiều nhất nước. Năm 2021 có 1.154 NVYT nghỉ việc, 6 tháng đầu năm nay có 874 người nghỉ việc.
Đứng sau TP.HCM là Hà Nội với gần 900 NVYT nghỉ việc. Cụ thể, năm 2021, toàn ngành y tế thủ đô có 532 NVYT xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác; trong 4 tháng đầu năm nay có 226 NVYT xin nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác. Ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết, những NVYT nghỉ việc tập trung ở các bệnh viện lớn như: Đức Giang, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông… Đây là những người đã có bằng sau đại học, có tay nghề cao và đa số chuyển sang khối ngoài công lập.
Tại Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc, số này cao hơn nhiều so với các năm trước. Năm 2021, địa phương này cũng có 372 NVYT nghỉ việc. Tại Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, NVYT nghỉ việc; 6 tháng đầu năm 2022 có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ. Các tỉnh Bình Dương, Long An, An Giang… cũng có từ 150 đến trên 200 NVYT nghỉ việc…
Ngoài ra còn có 420 NVYT tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nghỉ việc. Trong đó có 162 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y tế và 107 viên chức y tế khác. Các bệnh viện có số lượng viên chức xin thôi hoặc nghỉ việc nhiều là: Bệnh viện Bạch Mai là 65 người, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là 49 người, Bệnh viện Chợ Rẫy là 48 người, Bệnh viện Thống Nhất là 42 người, Bệnh viện Trung ương Huế là 41 người…
Chỉ tại việc nặng, lương thấp
Lý giải về thực trạng NVYT nghỉ việc nhiều, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này; song lý do chủ yếu là hiện nay lương, chế độ phụ cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống. Trong khi đó, thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần. Thực tế, hiện nay hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân ngày càng phát triển và có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhất là NVYT trình độ cao, chuyên môn sâu, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế ngoài công lập sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút NVYT.
Bên cạnh đó NVYT công lập phải chịu áp lực công việc lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay. Cán bộ y tế và lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch cường độ làm việc rất lớn; khi số ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, NVYT gần như không có ngày nghỉ, nhất là NVYT ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
NVYT nghỉ việc còn có nguyên nhân từ gia đình, sức khỏe; ảnh hưởng tâm lý từ những vụ phạm pháp trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế thời gian gần đây…
Tại TP.HCM mới đây đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù cho y tế cơ sở. Theo đó chi hơn 138 tỷ mỗi năm để thu hút nhân sự cho 310 trạm y tế, áp dụng từ nay đến 2025. |
Ông Hưng – Sở Y tế Hà Nội – cũng thừa nhận, đãi ngộ đối với y tế xã/ phường rất thấp, gần như chỉ có lương cơ bản. Đặc biệt trong 2 năm chống dịch vừa qua, gần như không có thêm khoản thu khác, lương bình quân đối với một bác sĩ chỉ trên dưới 5 triệu đồng.
Chị N.T.H. – công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương – tâm tư: “Để có thể trở thành bác sĩ, chúng tôi phải học 6 năm. Đó là chưa kể đầu vào của Trường ĐH Y Hà Nội cao chót vót. Vậy mà khi ra trường đi làm lương còn thua mấy chị làm nghề nuôi bệnh trong bệnh viện. Mấy hôm trước tôi có trò chuyện với hai chị làm nghề nuôi bệnh, một chị nói mỗi ngày chủ trả 550 ngàn đồng, bao ăn 3 bữa; chị còn lại thì được trả 600 ngàn đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng các chị ấy cũng kiếm được 16-18 triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn hẳn so với NVYT ở các bệnh viện công, nhất là những bác sĩ mới ra trường…”.
Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, tình trạng NVYT nghỉ việc diễn ra đột biến khiến ngành y thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế
Theo ông Tuyên, để ngăn chặn tình trạng NVYT nghỉ việc, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40 đến 70% lên mức 100%; kịp thời khen thưởng người đạt thành tích; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế…
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế diễn ra cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vấn đề nhân lực ngành y phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp rà soát quy định về số lượng người làm việc, cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị trong ngành y; hoàn thiện các chính sách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đồng thời khẩn trương thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; sớm rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm đánh giá tình trạng mất cân đối về nhân lực, dự báo nhu cầu sắp tới, có phương án chủ động phù hợp để cân đối giữa các địa bàn, giữa các tuyến xã, huyện, tỉnh, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng, giữa các chuyên ngành khác nhau… Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí đủ người làm việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nguyên tắc là “ở đâu có bệnh nhân ở đó phải có người chữa bệnh”. Hai bộ khẩn trương hướng dẫn thành lập các trạm y tế theo quy mô dân số.
Thủ tướng giao các cơ quan sớm ban hành chính sách hỗ trợ NVYT bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập…
Đức Việt
Bình luận (0)