Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) biến động liên tục và có chiều hướng gia tăng. Hiện cả nước ghi nhận hơn 92 ngàn ca mắc, trong đó có gần 40 trường hợp tử vong. TP.HCM là địa phương có số ca mắc và tử vong do SXH nhiều nhất cả nước. Theo đó, để giảm thấp nhất số ca mắc chuyển nặng và tử vong, các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP đã lên phương án chuẩn bị nhân lực, thuốc và vật tư y tế sẵn sàng ứng phó với tình hình số ca SXH nhập viện ngày càng nhiều…
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Quận 8, TP.HCM
Chuẩn bị thuốc, giường bệnh
Tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn quận 8 tương đối phức tạp. 6 tháng đầu năm, BV Quận 8 tiếp nhận và điều trị nội trú cho 89 trường hợp mắc SXH. Đặc biệt từ tháng 5, số ca mắc SXH đến khám và điều trị liên tục tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện.
BS.CKII Trần Quốc Hùng – Giám đốc BV Quận 8 – cho biết, BV đã chuẩn bị phương án, kế hoạch với đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc trên địa bàn gia tăng.
“Cuối tháng 5, BV đã đấu thầu xong vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền đáp ứng đầy đủ công tác khám, tiếp nhận điều trị. Dung dịch cao phân tử HES 130 cũng được dự trữ khá nhiều để xử trí các ca sốc. 2 khoa Nhi nhiễm – 40 giường và Khoa Nội tổng hợp – 40 giường được phân công tiếp nhận điều trị SXH trẻ em và người lớn. Trường hợp cần thiết có thể tăng thêm 10 giường mỗi khoa”, BS Hùng cho biết.
Theo BS Hùng, khó khăn hiện nay là nhân sự các khoa điều trị SXH là các BS mới và khá trẻ, đa số làm việc dưới 5 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị; do đó khả năng theo dõi, điều trị các trường hợp SXH nặng còn hạn chế. Thời gian tới BV sẽ tập huấn thêm cho đội ngũ. BV cũng liên tục cập nhật phác đồ điều trị bệnh SXH, đề ra các giải pháp giảm biến chứng, tử vong. Đối với các ca nặng, BV nhờ sự hỗ trợ của tuyến trên như BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng…
BV Nhi đồng 1 cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch SXH và thành lập đội cơ động điều trị. TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó Giám đốc BV – chia sẻ, tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Theo số liệu 5 năm liên tiếp thì đỉnh dịch sẽ rơi vào các tháng 8, 9, 10 năm nay. Theo đó, ngay từ đầu năm, BV đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn nhân sự cho các khoa; thời gian tới có thể điều động thêm các BS nội trú hiện đang cộng tác giảng dạy tại Trường ĐH Y Dược TP, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y của ĐH Quốc gia TP.HCM. Bên cạnh đó, khi cần thiết sẽ tăng cường Khoa Covid-19 với 120 giường điều trị, 30 giường hồi sức hỗ trợ điều trị SXH. Các loại thuốc, dịch truyền, trang thiết bị đã sẵn sàng để ứng phó với dịch SXH, ngay cả khi dịch bệnh bùng phát từ nay đến cuối năm.
BS Minh cho biết thêm, do dịch bệnh biến động liên tục nên một số thuốc tạm thời không có. Cụ thể, các dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị SXH như HES 200, Dextran 40, Dextran 70; các thuốc vận mạch như Dopamin chưa có nguồn cung ứng. Để đáp ứng thuốc điều trị, BV đã họp Hội đồng thuốc và điều trị đề xuất thay thế HES 200 bằng dung dịch HES 130 trong điều trị SXH và hiện giờ đã có sẵn. Đồng thời, tìm phương án thay thế khi không có thuốc Dopamin điều trị cho bệnh nhân nguy kịch và thông báo triển khai cập nhật phác đồ điều trị trong toàn BV.
Hiện Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các BV. Tuy nhiên, về lâu dài, BS Minh kiến nghị Bộ Y tế và Cục Quản lý dược sớm tìm nguồn cung ứng dịch truyền. Bởi dung dịch cao phân tử HES 130 tạm thời sử dụng thay thế trong điều trị sốc SXH chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán cho bệnh nhân khám bảo hiểm y tế.
Số liệu từ BV Nhi đồng 1 cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 6, BV ghi nhận hơn 1.700 bệnh nhi SXH; trong đó khoảng 35% phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc SXH và 7 trường hợp tử vong. Tổng lượng thu dung điều trị cao hơn tổng số nhập viện điều trị của năm 2020 và năm 2021. So sánh cùng kỳ năm 2019 thì xu hướng bệnh tăng cao từ tháng 4 đến nay, cho thấy tình hình diễn biến phức tạp hơn các năm trước.
Không để “dịch chồng dịch”
Trước tình hình số ca mắc SXH vẫn gia tăng và mới đây Bộ Y tế công bố biến thể phụ BA.4; BA.5 của Omicron đã có mặt tại TP.HCM với 3 trường hợp khiến y tế TP đứng trước 3 nguy cơ lớn là dịch chồng dịch (dịch Covid-19 và dịch SXH), thiếu vật tư y tế và thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập.
Theo hệ thống giám sát dịch của ngành y tế TP, số ca mắc Covid-19 mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày ghi nhận trên 50 ca. Như vậy, dù đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua nhưng nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe dọa. Đối với dịch SXH, tính đến ngày 7-7, tại các tỉnh khu vực phía Nam, số ca mắc lên đến khoảng 70.000 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP.HCM, số ca mắc là gần 25.000 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong là 13 trường hợp – có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em.
Không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”, Sở Y tế TP cho rằng cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4); Triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa SXH. Ngành y tế cũng sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch Covid-19 và dịch SXH. Sẵn sàng tái hiện các bài học kinh nghiệm về tính sáng tạo và hiệu quả trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP khi cần thiết.
Đối với tình hình thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, Sở Y tế TP tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc; Đồng thời kiến nghị UBND TP.HCM cho phép thành lập trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế, có giải pháp hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế TP cũng thành lập Tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc.
Phương Trinh
Bình luận (0)