Lời độc thoại ở câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”: “Ai biết tình ai có đậm đà?” giúp bạn đọc nhận ra nhân vật trữ tình đang gặp “rắc rối” về chữ tình. Là chữ tình với ai vậy? Lý do nào dẫn đến sự “nghi hoặc” ấy?…
Bao quát bài thơ, ta thấy tác giả đang xây dựng một “cuộc tình”, khi mà cả hai nhân vật đang hướng về nhau. Nơi điểm nhìn sương khói, nhân vật trữ tình đang dõi theo những cung bậc cảm xúc của cô gái nơi thôn Vĩ: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?/ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền/ Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?
Từ lời mời gọi tha thiết: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?, em (trong ngữ cảnh này được coi là đóng vai trò chủ thể trữ tình) đang mong muốn anh về để “khoe” vẻ đẹp quê hương. Bức tranh thôn Vĩ trong ánh nhìn của em đã hiện lên bằng những gam màu, đường nét, hình ảnh thật nên thơ. Không gian làng quê yên lành, bình dị mở ra có độ cao (nắng hàng cau) đến chiều rộng (vườn ai) thoáng đãng, và tươi tắn bởi đường viền trên phông nền xanh như ngọc của ngõ trúc. Trong niềm tự hào về quê hương đẹp đẽ, tràn trề sức sống, em thoáng nhận ra gương mặt chữ điền (hiểu theo nghĩa ẩn dụ) đang lấp ló nơi ngõ trúc. Không dừng nơi thôn Vĩ, em đã hóa thân vào gió, vào mây tung bay trong niềm khao khát. Tưởng tượng: Gió theo lối gió, mây đường mây/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?, em đang trong cảm giác bay bổng, lãng mạn, nâng niu giấc mơ bên anh? Một cách bộc bạch cảm xúc rất tự nhiên, hồn nhiên trước khoảng cách tình yêu, theo em nghĩ! Còn anh? Câu thơ đầy sự ám ảnh, day dứt: Ai biết tình ai có đậm đà? đang là một dấu hiệu không khỏi thôi thúc ta tìm nút thắt niềm trăn trở ấy. Có lẽ người đọc cũng phải hóa thân vào nhân vật trữ tình, may chăng gặp gỡ sự đồng cảm để sẻ chia? Thử nghĩ, nơi thôn Vĩ, được trao quyền mơ tưởng mà sao em chỉ mê mải “khoe” quê hương, mong muốn anh về để “nhìn” chứ không phải để bộc lộ cảm xúc dành riêng cho người đang ngóng đợi?
Sao cách giới thiệu về thôn Vĩ Dạ, em lại theo cái mẫu chung chung và rập khuôn? (Có phải thế mà nhan đề là một trạng ngữ chỉ nơi chốn “đây/ ở đây” đầy ẩn ý)? Nếu không nhờ “định hướng” từ nhan đề, từ lời tự xưng của em, thì bằng phép thế địa danh, hẳn trong anh sẽ hiện lên một thôn khác. Bởi, hầu như rất nhiều làng quê Việt Nam đều có nắng, có vườn xanh mướt, có ngõ trúc… đấy thôi. Trong những bài tả cảnh quê hương của trẻ nhỏ, điều sơ đẳng nhất là các em vẫn biết tìm ra nét đặc trưng riêng để phân biệt nơi này với nơi khác. Còn em, thật đáng tiếc, khi làn ranh ngôn ngữ vẫn chưa đủ thông thoát để tạo nên dấu ấn về làng quê của mình. Và càng nhàm hơn, khi trên đời này không ai không hiểu “Nắng hàng cau” là cái nắng mới lên; vườn… mướt quá thì ắt xanh như ngọc, vậy mà em vẫn điềm nhiên tạo ra nốt nhấn nắng mới lên, xanh như ngọc. Với cách ấy, để rồi “ai đó” sẽ không khỏi chạnh lòng trong thú thưởng thức hay sao? Rồi nữa, nét vẽ trong trí tưởng tượng xuất thần phong phú của em sao lại là hình ảnh “Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”. Cách nghĩ quả thật rất kém duyên. Dù chỉ là hình dung, chàng trai ấy vẫn phải toát lên sự mạnh mẽ, phong độ của người đàn ông, chứ sao lại ai ái kiểu ấy? Thôi, cứ tạm cho do tâm lý mong muốn, chờ đợi anh về nên trong màn mở đầu, cách biểu hiện của em nó sinh ra “lộn xộn” như thế. Nhưng rồi nhìn những động thái tiếp theo, hóa ra điều đó lại nằm trong mạch biểu hiện cảm xúc thống nhất của em. Sự di chuyển vận tốc “Gió theo lối gió, mây đường mây” (trạng thái động, nhanh), mà sao em còn cảm nhận được “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…” (trạng thái tĩnh, chậm)? Trong việc kiếm tìm của em, cung bậc cảm xúc sốt sắng hay bình thản, điều này xem ra thật khó lòng phân biệt. Sao nó khác xa với kiểu bồn chồn “Như đứng đống lửa, như ngồi đống than” của một ai đó trong dân gian?
Cũng thật lạ lùng về cách nhận thức tình yêu của em. Khi thuyền đã đậu bến sông trăng, lãng mạn, bay bổng, gần gũi đến thế là cùng, thì cớ chi không chở trăng về kịp? Không hiểu về tâm lý nôn nóng, sốt sắng của cảm xúc hay “bến” muốn đánh đồng với “thuyền” về sự mong mỏi, khát khao? Theo vận hành của thời gian từ ngày sang đêm, của không gian từ thực đến ảo, em đã không thể hiểu cái “lý” về khoảng cách trong tình yêu. Hình như, nó đâu tính bằng vòng quay nhanh – chậm như đồng hồ, sự xa – gần như thước đo địa lý, mà là bằng sự tinh tế, sâu sắc về tâm (tình) trong cảnh?
Giấc mơ về anh, em được quyền hình dung, tưởng tượng, vậy mà khi bày tỏ cảm xúc về một cuộc tình, tất cả chỉ là theo cách hướng ngoại chứ không phải biểu hiện sâu sắc của nội tâm. Từng biểu hiện của em, cứ y như là người ngoài cuộc vậy! Vì thế, dù đã vượt ra ngoài thôn Vĩ Dạ, thì toàn bộ chiều sâu của cái gọi là “hướng nội” ở nơi em cũng chỉ đưa đến một cảm giác nhàn nhạt, không hơn.
Ai biết tình ai có đậm đà? Cùng nhân vật trữ tình dõi theo những biểu hiện cảm xúc của em, người đọc dường như đã tìm được câu trả lời về nỗi lòng day dứt, hồ nghi của anh, cho dù anh đã cố làm “ẩn” nó bằng hình thức nói tránh.
Nút thắt lòng gỡ ra, đủ để ta cảm thông, đồng cảm với suy xét của nhân vật trữ tình. Càng đồng cảm hơn về cách ứng xử mát lòng của chàng trai trước sự chênh lệch cảm xúc giữa hai bên. Khi cô gái gần như tin rằng người tình trong mộng sẽ đồng điệu với cô, thì oái oăm thay, người đó chỉ xem cô là khách – một đối tượng không gần mà xa, nằm ở vị trí “ngoại biên” của cõi nhớ: Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra…/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà? Không đồng điệu về tư duy, cảm xúc, nhưng lời khước từ rất đỗi nhẹ nhàng, với cái lý do không làm ai dễ phật ý. Đấy là do khách quan từ phía em: Áo em trắng quá nhìn không ra… Đấy là do khách quan từ phía anh: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Dù thế, em vẫn nhận được sự trân trọng tuyệt đối qua cách nhìn tế nhị “Áo em trắng quá” – một ẩn dụ về sự thuần khiết, trong trẻo. Cách cư xử thật nhẹ lòng.
Đọc “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta đi từ sự ngỡ ngàng này đến sự ngỡ ngàng khác trong cách sáng tạo độc đáo của tác giả. Trí tưởng tượng nghệ thuật phong phú đã giúp nhà thơ xây dựng nhân vật theo kiểu hình dung trong hình dung, đan xen giữa thực và ảo. Thi sĩ họ Hàn đã tưởng tượng nên một cuộc tình của chàng trai và cô gái đang đối thoại (độc thoại). Nhân vật trữ tình lại tiếp tục hình dung cách thể hiện của cô gái về cuộc tình ấy. |
Đọc “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta đi từ sự ngỡ ngàng này đến sự ngỡ ngàng khác trong cách sáng tạo độc đáo của tác giả. Trí tưởng tượng nghệ thuật phong phú đã giúp nhà thơ xây dựng nhân vật theo kiểu hình dung trong hình dung, đan xen giữa thực và ảo. Thi sĩ họ Hàn đã tưởng tượng nên một cuộc tình của chàng trai và cô gái đang đối thoại (độc thoại). Nhân vật trữ tình lại tiếp tục hình dung cách thể hiện của cô gái về cuộc tình ấy. Đặt nhân vật em trong vai chủ thể trữ tình để bộc lộ cảm xúc, dụng ý chàng trai muốn tạo ra một phép thử mong tìm “hồn đồng điệu”. Có phải cách tạo nên sự đối lập về cái cụ thể (từ cách đặt nhan đề “Đây thôn Vĩ Dạ”, đến sự hiện hữu của cô gái) với cái mơ hồ (từ điểm nhìn nơi sương khói, cách bộc lộ cảm xúc của chàng trai trong phép so sánh “Ai biết tình ai có đậm đà?”), tác giả muốn thể hiện quan niệm về tình yêu? Phải chăng, tình yêu cần một sự sâu sắc, tinh tế trong bộc lộ cảm xúc, một thứ cảm xúc giản dị mang tính hướng nội chứ không chờn vờn theo cảnh?
Hàn Mặc Tử quả là cao siêu, thâm thúy khi để người đọc cứ mải miết chạy theo bức tranh thêu dệt lãng mạn mà quên tìm kiếm có cái tình, cái hồn ẩn chứa trong đó hay không. Liên hệ hoàn cảnh thực tế của nhà thơ, khi giới hạn bởi không gian tù túng bệnh tật; khi thời gian gấp gáp, hữu hạn, nhưng sự lựa chọn tình yêu của thi sĩ vẫn đang trong một tư thế vô cùng bình thản. Dù thời gian vật chất rất ngắn, nhưng không vì thế mà chàng trai họ Hàn vội vã, vồ vập; không vì thế mà chàng trai họ Hàn dễ dàng đón nhận những tình cảm đến từ phía không có chung tần sóng tinh thần với mình. Coi tình yêu thuộc về phạm trù tinh thần, nên cách Hàn Mặc Tử thể hiện rất điềm tĩnh, chứ không như kiểu mà Xuân Diệu nhìn nhận, giãi bày (Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ).
Để hiểu ý thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta phải đặt nó trong mạch thơ tình của Hàn Mặc Tử. Thơ tình ông là một bức tranh đa dạng, phong phú về tình yêu. Khao khát tình yêu đến độ cao trào: Trời ơi, bao giờ tôi chết đi?/ Bao giờ tôi hết được yêu vì/ Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi cứng tợ si? (Những giọt lệ). Chết không phải là hết. Chết, không hề hết yêu. Tình yêu luôn là trạng thái mở, không có chỗ cho sự kết thúc. Quan niệm ấy được gửi gắm qua “Cô gái đồng trinh” theo một giả định, khi cô láng giềng chết. Coi tình yêu là thiêng liêng, bất tử, nên thi sĩ đã dành một sự trân trọng tuyệt đối: Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu (Đà Lạt trăng mờ). Trước tình yêu, khi “bất lực”, thi sĩ họ Hàn đành nhờ yếu tố tâm linh xác tín. Cách hóa giải đã cho thấy chàng là một con người vô cùng tinh tế. Từ những ví dụ minh họa “con đường” thơ của Hàn Mặc Tử, có lẽ nên quay trở lại “Đây thôn Vĩ Dạ” để đọc nó theo cách chiêm nghiệm. Có thể cõi nhân gian chưa gặp “hồn đồng điệu”, thì khát vọng tình yêu sẽ theo thần thức chờ nhân duyên nơi kiếp khác? Hầu như ai cũng nghĩ rằng, khi đối diện với sự sống mỏng manh, con người ta cần tình yêu để sưởi ấm, vì thế dễ dàng chấp nhận. Nhưng đọc thơ Hàn Mặc Tử, ít ai biết rằng, chính trong cái ranh giới mong manh đó, là khi tâm hồn trỗi dậy mãnh liệt nhất để tìm kiếm “một nửa” đích thực. Tình yêu trong thơ ông, cồn cào, dậy sóng nhưng không hề dễ dãi. Thế mới thấy, có người đối diện với cái chết vẫn thản nhiên lựa chọn; lại có kẻ, thời gian ngồn ngộn vẫn cứ vội vàng, vồ vập.
Đọc một số bài viết về “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta thấy nhiều tác giả nhắc tới cái tên Hoàng Cúc trong mối liên quan. Từ đấy, họ cho rằng bài thơ thể hiện một tiếng nói trữ tình thuần nhất về mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử. Nhưng ở một góc nhìn khác, điều ấy không hẳn là như thế…
Phan Thị Thanh Thủy
(Giáo viên Trường THCS Hà Linh,
huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)
Bình luận (0)