Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Viết tiếp bài Nhiều hình thức khen thưởng học sinh (ngày 29-6): Thay đổi cách khen thưởng, chưa làm cho giấy khen… có giá!

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc năm học vừa qua, con tôi đang học lớp 6, cho tôi biết: “Tổng kết cuối năm, lớp của con bạn nào cũng được khen thưởng hết. Ngoài những bạn đạt danh hiệu xuất sắc, giỏi, thì những bạn học khá cũng được nhà trường khuyến khích khen thưởng, trao giấy khen”. Trao đổi với phụ huynh có con học lớp 6 ở một số trường khác, tôi được biết gần 100% số lượng học sinh trong lớp đều có phần thưởng, giấy khen. Tôi cảm thấy vui lây cho học sinh, cho phụ huynh. Có chút phần thưởng nho nhỏ, một tờ giấy khen cũng làm cho phụ huynh hãnh diện và học sinh phấn khởi sau một năm nỗ lực học tập! Tuy nhiên, việc hầu hết học sinh trong một lớp được trao phần thưởng, giấy khen thì có nên mừng? Về lâu dài thì sẽ như thế nào, có khuyến khích học sinh tranh đua, nỗ lực phấn đấu trong việc học? Đã có nhiều ý kiến của dư luận về việc “lạm phát” giấy khen, “mưa” giấy khen, giấy khen mất giá… từ nhiều năm nay. Tôi nhớ thời chúng tôi đi học trước đây, việc khen thưởng rất hạn chế. Nhà trường chỉ khen thưởng cho những học sinh đứng nhất, nhì, ba của lớp. Vì thế mà việc tranh đua để được xếp hạng trong tốp ba là rất lớn, nếu muốn có phần thưởng, giấy khen. Học sinh nào có giấy khen treo trong nhà là quý lắm, hãnh diện lắm.


Hc sinh THCS chào c (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Đáng nói hơn, từ năm học 2021-2022, việc đánh giá, khen thưởng cho học sinh được áp dụng theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, chỉ khen thưởng cho đối tượng học sinh xếp loại xuất sắc, giỏi và học sinh có sự nỗ lực, tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện. Không khen thưởng học sinh xếp loại khá (không có danh hiệu học sinh tiên tiến). Cách đánh giá này áp dụng cuốn chiếu từ năm học 2021-2022 cho học sinh lớp 6, và tiếp tục cho học sinh lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022-2023…

Với cách đánh giá, khen thưởng của Thông tư 22 nói trên, nhiều hy vọng sẽ hạn chế được việc “lạm phát” giấy khen, đem lại giá trị cho giấy khen, cho việc khen thưởng. Tuy nhiên, qua một năm áp dụng cho lớp 6, chưa thật sự phát huy tác dụng, như thực tế của lớp con tôi nói trên. Chừng nào nhà trường còn chạy theo thành tích, giáo viên còn nương tay trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh; chừng nào phụ huynh còn “thích” con em được khen thưởng, thì chừng ấy sẽ còn “mưa” giấy khen. Và giấy khen sẽ tiếp tục… mất giá!

Trn Nhân Trung

Bình luận (0)