Báo cáo cùng dữ liệu thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ các vụ lừa đảo liên quan đến thương mại trực tuyến ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Kaspersky Lab – hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật hàng đầu của Nga – đã đánh giá Việt Nam là quốc gia “an toàn nhất” ở khu vực Đông Nam Á trước các mối đe dọa tấn công tài chính vào hệ thống ngân hàng, cổng thanh toán điện tử và cửa hàng trực tuyến.
Tỷ lệ lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Ảnh: VNA/VNS
Ông Yeo Siang Tiong, Giám đốc phụ trách thị trường Đông Nam Á của Kaspersky Lab chia sẻ, dữ liệu thống kê gần đây của hãng này cho thấy tỷ lệ các vụ lừa đảo liên quan đến thương mại trực tuyến ở Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Cụ thể, trong khi tỷ lệ lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam là 26,36% thì tại Indonesia là 40,87%; Malaysia: 46,77%; Singapore: 51,6%; Thái Lan: 56,35% và Philippines: 64,03%.
Thanh toán di động ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày ở các nước Đông Nam Á, kéo theo nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng. Ảnh: World Today News
Dựa trên những con số tích cực đáng quan tâm của Việt Nam so với tương quan chung trong khu vực Đông Nam Á, chuyên gia của Kaspersky Lab lưu ý rằng, các giao dịch và mua hàng trực tuyến của người dùng tại Việt Nam đang không ngừng tăng lên mỗi ngày. Điều này được cho là kết quả tác động từ nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu, trong bối cảnh di động và ví điện tử phát triển mạnh mẽ.
“Việt Nam đã sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số cũng như đã được trang bị đầy đủ để đảm bảo môi trường tài chính an toàn hơn cho các tổ chức, cá nhân”, ông Yeo Siang Tiong nhấn mạnh.
Báo cáo Công nghệ Tài chính và Ngân hàng kỹ thuật số khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2025 do tổ chức nghiên cứu tài chính quốc tế IDC và Backbase đồng công bố mới đây dự đoán rằng, các giao dịch di động ở Việt Nam sẽ tăng 300% vào năm 2025.
Năng lực thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn tại Việt Nam được chứng minh qua hơn 2 năm đại dịch. Ảnh: Prensa Latina
Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển Chính phủ số với các giải pháp cụ thể như: phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thanh toán kỹ thuật số. Phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Theo Nguyễn Thuận/PNO
Bình luận (0)