Sáng 26-8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn dầu 2 đoàn bay khảo sát về công tác quy hoạch TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bắt tay các thành viên tổ bay trực thăng trước chuyến khảo sát.
Đi cùng đoàn còn có đại diện HĐND TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các sở, ban, ngành liên quan. Ngoài ra còn có lãnh đạo các tỉnh vùng Đông Nam bộ tham gia khảo sát tuyến Vành đai 3.
Chuyến khảo sát này sẽ giúp đảm bảo công tác lập các quy hoạch TPHCM đạt chất lượng, hiệu quả, tiến độ và khả thi cao, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Lãnh đạo thành phố xác định, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng. Việc thực hiện nghiêm túc, bài bản công tác quy hoạch sẽ giúp định hướng, sắp xếp tối ưu về mặt không gian, lãnh thổ, đảm bảo một cấu trúc hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp phân bổ phù hợp các nguồn lực, đánh thức các tiềm năng phát triển, là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện có hiệu quả và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà các chiến lược phát triển đã đặt ra.
Theo kế hoạch, lãnh đạo thành phố sẽ khảo sát các nội dung: việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; việc lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 nội dung cơ bản: 1- Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD; mục tiêu khảo sát: dọc tuyến metro 1 và 2, các tuyến giao vành đai 3, các kết nối với Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ); 2- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô của một đô thị trên 10 triệu dân và tổ chức các thành phố trực thuộc TPHCM (mục tiêu khảo sát: việc phân bổ dân cư tại các quận, huyện tại TPHCM đồng thời đặt trong tương quan của hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội; đặc biệt là một số cửa ngõ của thành phố); Phát triển kinh tế ven sông – hướng biển (mục tiêu khảo sát: dọc sông Sài Gòn, các sông nối, các tuyến kênh rạch gắn với đô thị từ trên cao, hệ thống cảng biển kết nối); Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển (khảo sát các không gian về kinh tế biển, không gian về rừng gắn với hai dự án lớn về cảng trung chuyển, đô thị nước biển, cũng như các khảo sát về năng lượng tái tạo tập trung vào điện gió ngoài khơi tại vùng biển Cần Giờ gắn với Vũng Tàu).
QUỐC HÙNG (theo SGGP)
Bình luận (0)