Xác định chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn (NT) mới, hướng tới xây dựng NT thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn. Trên hành trình đó, Đà Nẵng định hướng xây dựng bản đồ số về nông nghiệp, NT, nông dân; số hóa, đưa các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên các nền tảng, sàn thương mại điện tử để tăng giá trị sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường…
Vùng nông nghiệp huyện Hòa Vang, Đà Nẵng hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh
Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – cho biết, TP đã triển khai CĐS trên địa bàn đến năm 2025, định hướng năm 2030; trong đó có các nhiệm vụ về thực hiện CĐS trong xây dựng NT mới, NT mới nâng cao và hướng tới xây dựng NT mới thông minh góp phần xây dựng TP thông minh với mục tiêu “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NT mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NT mới, góp phần thúc đẩy kinh tế NT, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa NT – thành thị, từng bước hướng tới NT mới thông minh”.
Cụ thể, tại huyện Hòa Vang (vùng NT duy nhất của Đà Nẵng) đã triển khai wifi miễn phí tại 100% khu vực trung tâm các xã, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng. Huyện có 122 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 51 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 96,5% hồ sơ được giải quyết đúng và sớm hạn. Đến nay Hòa Vang đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho 100% hộ kinh doanh, doanh nghiệp; triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho trung tâm y tế huyện và 100% trường học trên địa bàn; triển khai chợ thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ đưa 25 sản phẩm nông nghiệp thí điểm lên sàn thương mại điện tử Postmart. Hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào sản xuất.
Cấp 900 chữ ký số cho giáo viên ký học bạ điện tử Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng, TP đang bắt đầu cấp 900 chữ ký số mềm cho giáo viên để ký học bạ điện tử; 100 chữ số ký số mềm cho bác sĩ để ký hồ sơ sức khỏe… Đà Nẵng có hơn 45% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số; cơ bản mỗi người dân có 1 mã ID gắn với hồ sơ sức khỏe điện tử; mỗi học sinh có 1 mã ID gắn với học bạ điện tử. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của TP có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 80%); tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 80% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 60%). Kinh tế số năm 2022 chiếm tỷ trọng 19,67% GRDP TP. Đà Nẵng hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; tổng nhân lực công nghệ thông tin tính đến cuối năm 2022 khoảng 47.500 người. Các doanh nghiệp công nghệ số đã từng bước làm chủ công nghệ lõi của cách mạng công nghệ 4.0 và phát triển các sản phẩm Made in Da Nang. |
Có thể nói, công cuộc CĐS trong xây dựng NT mới, hướng tới xây dựng NT thông minh đã diễn ra mạnh mẽ; cộng đồng doanh nghiệp, người dân huyện Hòa Vang đã chủ động, tích cực tham gia. Huyện đã hoàn thành 15/20 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu vượt mức kế hoạch CĐS. Đến nay, huyện Hòa Vang đã có 11/11 xã được công nhận xã đạt chuẩn NT mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2015 và bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020; có 5/11 xã được công nhận đạt chuẩn xã NT mới nâng cao.
Ông Triết nhìn nhận, CĐS trong xây dựng NT mới, hướng tới xây dựng NT thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn. CĐS không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động mà quan trọng nhất là chuyển đổi nhận thức, hành động, hình thành công dân số, chính quyền số hướng đến xã hội số.
Kết quả đánh giá và xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022 cho thấy, Đà Nẵng có năm thứ ba liên tiếp xếp hạng nhất về chỉ số CĐS cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; dẫn đầu chỉ số an toàn thông tin và thuộc top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử (sau TP.HCM và Hà Nội). TP.Đà Nẵng được đánh giá, trao giải thưởng CĐS Việt Nam 2022 (3 năm liên tiếp 2020-2022), giải thưởng TP thông minh (duy nhất) Việt Nam năm 2022 (3 năm liên tiếp 2020-2022); 2 năm liên tiếp được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận top tổ chức, địa phương tiêu biểu thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS.
|
“Để CĐS trong xây dựng NT mới hướng tới xây dựng NT thông minh thành công; yêu cầu tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó. Đặc biệt cần sự tham gia đồng hành tổng thể từ chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân”, ông Triết nói.
Ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng – thông tin, thời gian tới, TP hướng đến các giải pháp triển khai cụ thể cho vùng NT. Theo đó, huyện Hòa Vang phấn đấu mỗi hộ dân (đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo) có 1 điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số; đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng dữ liệu số, nền tảng số trong xây dựng NT mới như xây dựng bản đồ số về nông nghiệp, NT, nông dân; số hóa, đưa các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên các nền tảng, sàn thương mại điện tử để tăng giá trị sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước…
Hàn Giang
Bình luận (0)