Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều kênh YouTube phản cảm “núp bóng” cuộc sống đồng quê

Tạp Chí Giáo Dục

Theo phản ánh từ độc giả, trên YouTube, chúng tôi phát hiện một loạt kênh như: Thuy Oanh Nguyen, Bích Hương Miền Tây, Cẩm Vân cô gái miền tây, Huỳnh Tuyết Nhi, Thôn nữ Trúc Phương, GiangBTVlog, Duyên – Farm Bushcarf… đăng tải nhiều nội dung, hình ảnh phản cảm.

Các kênh này được phát triển theo mô típ chung: nội dung trải nghiệm cuộc sống thôn quê như bắt cá, nấu cơm chiều, ra đồng… Tuy nhiên, điểm họ gây chú ý không phải là những hình ảnh đẹp, nét văn hóa đặc trưng, món ăn ngon… mà chính là những hình ảnh phản cảm, hở hang.

Các chủ kênh đều chọn mặc các trang phục rất mỏng, để khi xuống nước sẽ lộ rõ nội y; hoặc trang phục rất ngắn, hớ hênh, không mặc nội y. Nhiều góc quay cũng hướng vào những bộ phận nhạy cảm. Các chủ kênh cũng thể hiện những động tác, hành động khiếm nhã. Nhiều kênh chọn hình đại diện cho các video rất hở hang, phản cảm.

Nhiều kênh lồng ghép hình ảnh dung tục, phản cảm vào các video trải nghiệm cuộc sống thôn quê (ảnh chụp màn hình)

Mỗi kênh có hàng chục video. Trong đó, nhiều kênh đã xây dựng được một thời gian dài, thu hút từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn lượt theo dõi. Nhiều video đạt từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu lượt xem. Số lượng các kênh mới mở vài tháng gần đây cũng khá nhiều. Bên dưới các video này là rất nhiều bình luận cười cợt, khiếm nhã. Họ thường đề cập đến các bộ phận sinh dục hoặc tình dục hóa các hình ảnh trên. Thực trạng này càng làm cho môi trường mạng, vốn đã bát nháo, nay lại càng “bẩn”.

Sự tự do không khuôn khổ trên các nền tảng số đã dẫn đến không ít lệch lạc. Đáng nói hơn, phần lớn các chủ kênh tuổi đời còn rất trẻ. Những lượt xem, lời bình luận khiếm nhã lại càng khiến các video “tăng đô”, bởi lượt xem, hiệu ứng trong dư luận là điều các chủ kênh cần.

Nhiều kênh YouTube từng bị xử phạt vì đăng video có nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục lên mạng. Nhưng mức phạt từ 10-20 triệu đồng dường như chưa đủ để răn đe. Nhiều kênh vi phạm bị phạt sau đó lại nhanh chóng tái phạm.

Có nhiều khó khăn trong việc quản lý lẫn xử lý nội dung “bẩn” trên mạng. Nhưng điều đó không có nghĩa phải thúc thủ trước các hành vi phản cảm. Thực tế cho thấy rất cần sự mạnh tay, nghiêm khắc của cơ quan chức năng trong việc rà soát, xử lý để có thể ngăn chặn tình trạng này. 

Theo Thành Lâm/PNO

Bình luận (0)