Hiện nay, nạn mua bán người trái phép và tình trạng lừa đảo qua mạng đang diễn ra gây nguy hiểm cho xã hội. Để các bạn trẻ có kỹ năng bảo vệ mình và người thân, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ – Đường sắt, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an quận 3 tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên, thanh niên trên địa bàn TP.HCM.
Công an tập huấn cho sinh viên, thanh niên
Đừng tin vào lời đường mật
Mua bán người được Liên hiệp quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2004-2019, có trên 12.000 nạn nhân bị mua bán. Nguyên nhân gia tăng tội phạm mua bán người là do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Một số phụ nữ có hoàn cảnh éo le, trẻ em nghèo, thất học đã bị bọn tội phạm lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán cho các nhà hàng, quán trọ, khách sạn, các dịch vụ kinh doanh mại dâm trá hình, làm vợ bất hợp pháp, buộc bị lao động trong điều kiện tồi tệ hoặc bị sử dụng vào mục đích thương mại vô nhân đạo.
Theo Đại úy Trần Minh Chiến (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), đối tượng thường đánh vào tâm lý sinh viên, người thất nghiệp với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Khi “con mồi” dính bẫy, đối tượng sẽ vận chuyển người đến các cửa khẩu của Việt Nam như: Mộc Bài, Bình Hiệp… để bán qua các nước. Với nữ, đối tượng bán giá cao vì có nhiều mục đích sử dụng, khoảng 30-40 triệu đồng/người. Nữ thường bán vào các nhà trọ, khách sạn làm gái mại dâm. Nam bán giá thấp hơn để làm bốc vác, lao động nặng nhọc… Dù làm việc vất vả nhưng chỉ có đối tượng hưởng lợi, còn “con mồi” ngày càng suy kiệt sức lực mà không được gì. Nếu “con mồi” phản kháng, đối tượng sẽ đánh đập dã man, thậm chí còn bị chích điện cho đến khi làm việc mang tiền về cho chúng. Đối tượng xem “con mồi” như một món hàng, chúng bán hết nơi này đến nơi khác. Muốn thoát khỏi, người nhà phải đưa tiền chuộc khá cao. Nhiều “con mồi” thấy gia đình nghèo, không có khả năng nên đành “nếm mật nằm gai” chiều theo đối tượng cho đến khi mất mạng.
Công an trao đổi với các bạn trẻ về một số vấn nạn đang xảy ra trong xã hội
Đối tượng không chỉ có người lạ đôi khi còn có cả người quen, bạn bè “con mồi”. Vì lợi ích cá nhân, đối tượng bất chấp nhân tính, pháp luật để lừa đảo mua bán người, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Để các em sinh viên, thanh niên tránh được bẫy mua bán người, Đại úy Chiến cho rằng, chúng ta không nên tin vào những lời ngon ngọt của người lạ. “Hiện nay để được xuất khẩu lao động qua nước ngoài phải tốn nhiều tiền. Chẳng hạn muốn đi Nhật phải tốn cả trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, thủ tục giấy tờ, hợp đồng lao động làm cũng không dễ, phải thêm yêu cầu ngoại ngữ. Trong khi đó, đối tượng lừa xuất khẩu lao động qua nước ngoài nói rất dễ dàng, không cần tốn nhiều tiền. Các em nên nhớ rằng, việc dễ không đến lượt mình. Muốn quyết định điều gì cũng cần phải tìm hiểu, cân nhắc để tránh bị lừa gạt”, Đại úy Chiến lưu ý.
Cũng theo Đại úy Chiến, muốn xuất khẩu lao động, mọi người nên ký hợp đồng lao động với công ty, làm giấy tờ rõ ràng và được sự chấp nhận của cơ quan chức năng. Đi xuất khẩu dạng hợp pháp sẽ được bảo vệ quyền lợi. Khi có sự cố có người đứng ra bảo lãnh, tránh bị “bỏ rơi” nơi xứ người. Đối với những người có người thân vướng vào nạn mua bán người phải báo ngay cho công an, không nên tự ý nghe theo đối tượng đưa tiền chuộc người. Bởi đối tượng rất ranh ma, nhận tiền chưa chắc giao người. Như vậy rơi vào trường hợp “tiền mất, tật mang”.
Mỗi người cần nâng cao nhận thức
Bên cạnh tình trạng mua bán người đang xảy ra, lừa đảo qua mạng cũng rất đáng lo ngại.
Đại úy Phùng Đỗ Tấn Thịnh (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho rằng, công nghệ 4.0 phát triển đã tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng phát triển tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Cứ 0,44 giây có người bị lừa đảo mất tiền bạc, tài sản. Dù cơ quan chức năng đã ra sức xử lý nhưng vẫn không triệt để. Do đó, từng cá nhân phải tự bảo vệ mình, phòng tránh để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện hành vi trái pháp luật.
Đại úy Thịnh cho biết, để bảo vệ bản thân tránh bị lừa đảo, mọi người không nên để lộ số điện thoại và thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Tốt nhất nên dùng 2 số điện thoại. Một số để liên hệ công việc, nhất là đối với người lạ. Một số cố định để làm giấy tờ như: Căn cước công dân, hộ chiếu, visa… “Sắp tới, cả nước sẽ tiến tới số hóa thông tin cá nhân, mọi người cũng không nên để lộ số tài khoản đến với người lạ”, Đại úy Thịnh nhấn mạnh.
Nhiều sinh viên, thanh niên tham dự chương trình tập huấn kỹ năng thực hành xã hội
Một vấn nạn nữa là cướp giật đường phố. Đối tượng nhắm vào những người có mang túi xách, dây chuyền, điện thoại… “Dây chuyền dễ bị giật nhất vì nhiều người có tâm lý “khoe” tài sản để lộ ra bên ngoài nên kẻ xấu có cơ hội ra tay. Hay điện thoại. Vừa chạy xe vừa nghe điện thoại dễ bị giật, té gây nguy hiểm đến tính mạng”, Đại úy Thịnh cho hay.
Theo Đại úy Thịnh, cách phòng tránh cướp giật đó là người dân không nên mang nhiều tài sản quý giá khi ra đường. Muốn nghẹ điện thoại, phải tấp xe vào lề, quan sát xung quanh để tránh bị cướp giật. Không chỉ đề phòng khi đi xe, mọi người cũng nên đề phòng ngay cả lúc đi bộ. “Nhiều người có thói quen lưu mật mã, số tài khoản ngân hàng… vào điện thoại, khi mất điện thoại không nhớ thông tin quan trọng để báo với cơ quan chức năng hoặc ngân hàng để bảo vệ tài sản. Tốt nhất, mọi người nên ghi những thông tin đó vào sổ tay và cất giữ như một loại giấy tờ quan trọng. Như vậy nếu lỡ mất điện thoại vẫn có thể giữ được tài sản”, Đại úy Thịnh gợi ý.
Thúy Kiều
Bình luận (0)