Dựa trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) mà các trường ĐH áp dụng, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp. Theo đó, thí sinh phải đạt ngưỡng điểm này mới được tham gia đăng ký xét tuyển. Riêng khối ngành sức khỏe và sư phạm, ngưỡng điểm sàn xét tuyển do Bộ GD-ĐT quy định.
Thí sinh tại TP.HCM ra về sau buổi thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Hiện nay, thí sinh trên cả nước đang đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ (sư phạm) bằng hình thức trực tuyến. Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng thực hiện cho đến hết ngày 20-8.
Từ 23,5 điểm mới được xét vào ngoại thương
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các trường ĐH xét tuyển bằng kết quả thi này đã công bố mức điểm sàn để thí sinh có căn cứ đăng ký. Tại khu vực phía Bắc, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm. Mức điểm này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, chưa nhân hệ số. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH Quốc gia Hà Nội và của Bộ GD-ĐT (đối với nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên), các đơn vị thuộc ĐH này thông báo điểm sàn xét tuyển theo ngành/nhóm ngành, tối thiểu bằng ngưỡng điểm sàn do ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GD-ĐT quy định.
Trường ĐH Ngoại thương tại trụ sở chính Hà Nội, mức điểm sàn xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07, thí sinh phải đạt thấp nhất là 23,5 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. Tại cơ sở TP.HCM, trường xét tuyển năm tổ hợp A00, A01, D01, D06, D07, thí sinh cũng phải đạt tối thiểu 23,5 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. Riêng 4 tổ hợp: A00, A01, D01, D07 tại cơ sở Quảng Ninh, thí sinh cần đạt tối thiểu 20 điểm mới để đủ điều kiện xét tuyển.
Nhiều trường xét từ 16-20 điểm
Khu vực phía Nam, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM áp dụng 3 mức điểm sàn là 16, 18 và 20 đối với 32 ngành đào tạo. Trong đó, mức điểm sàn 20 áp dụng cho ngành công nghệ thực phẩm (là ngành mũi nhọn của trường) và một số ngành khối kinh tế như: Kế toán, tài chính – ngân hàng, marketing, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, 3 ngành: CNTT, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung cũng có chung ngưỡng sàn xét tuyển này. Kế tiếp, 6 ngành khác trường áp dụng ngưỡng sàn xét tuyển 18 điểm gồm: Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; quản trị kinh doanh thực phẩm; Luật Kinh tế; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; quản trị khách sạn. Các ngành còn lại có ngưỡng sàn xét tuyển 16 điểm.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT cho tất cả các ngành trình độ ĐH chính quy dao động từ 16-19 điểm. Riêng nhóm ngành khoa học sức khỏe sẽ áp dụng ngưỡng điểm do Bộ GD-ĐT quy định. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông nhà trường) cho hay, năm nay ngành CNTT có mức điểm sàn cao nhất là 19. Kế đó, các ngành: Công nghệ kỹ thuật ô tô, quản trị kinh doanh và digital marketing có điểm sàn 18. Một số ngành khác có điểm sàn xét tuyển cao là: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, thú y, cùng mức 17 điểm. “Đây cũng là những ngành có điểm trúng tuyển cao nhất theo các phương thức xét tuyển sớm đã được công bố trước đó. Tất cả các ngành còn lại có mức điểm sàn xét tuyển từ 16 điểm”, ThS. Dung thông tin thêm. Đối với ngành thanh nhạc, thí sinh cần có tổng điểm thi 2 môn năng khiếu âm nhạc (gồm năng khiếu âm nhạc 1 và năng khiếu âm nhạc 2) đạt từ 10 điểm trở lên. Đối với các ngành kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, công nghệ điện ảnh, truyền hình và nghệ thuật số (Digital Art), thí sinh chọn tổ hợp xét tuyển có môn năng khiếu vẽ cần có điểm thi năng khiếu vẽ đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10). Thí sinh có thể tham dự các kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức hoặc lấy kết quả thi từ trường ĐH khác để tham gia xét tuyển. Còn Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT ở 35 ngành trình độ ĐH dao động từ 16-18 điểm tùy ngành. Trong đó, các ngành có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18, gồm: Kinh doanh quốc tế, quan hệ quốc tế, công nghệ truyền thông, Luật Quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Mức điểm sàn 17 trường áp dụng xét tuyển cho những ngành: Marketing, quản trị kinh doanh, quan hệ công chúng, kinh doanh thương mại, tài chính – ngân hàng, quản trị khách sạn, thương mại điện tử, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, quản trị nhân lực, kế toán, CNTT, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, luật, Luật Kinh tế, khoa học dữ liệu, tài chính quốc tế. Các ngành còn lại xét từ 16 điểm. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh nhà trường) cho biết: “Năm nay, trường xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 15% trong tổng chỉ tiêu. Thí sinh đạt từ ngưỡng điểm sàn mà trường công bố có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành phù hợp”.
Đại diện nhiều trường cũng lưu ý, thí sinh phải đạt từ ngưỡng điểm sàn xét tuyển của các trường, các ngành mới được đăng ký tham gia xét tuyển. Ngoài ngưỡng sàn do trường quy định, đối với khối ngành sư phạm và sức khỏe, các em còn phải đáp ứng ngưỡng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định.
Thục Trân
Bình luận (0)