Một trong những vấn đề liên quan đến đời sống tình cảm của không ít người Việt hiện nay đó chính là cách biểu lộ tình cảm. Tưởng chừng nó không quá quan trọng đến cuộc sống và sức khỏe của con người nhưng thực chất lại cực kỳ quan trọng, nhất là việc con cái bày tỏ cảm xúc với cha mẹ…
Thực tế trong cuộc sống, có những người con dù rất yêu thương ba mẹ nhưng không biết cách nào bày tỏ. Ảnh: IT
1.Những nghiên cứu tâm lý cho thấy chính việc không biết cách thể hiện cảm xúc hay không biết thể hiện sự quan tâm và yêu thương đúng mực của con cái khiến cho cha mẹ, nhất là người thân đến tuổi xế chiều cảm thấy tâm hồn trống trải, cô đơn… Từ đó, cũng không ít những mâu thuẫn giữa các thế hệ nảy sinh do sợi dây cảm xúc không được kết nối bằng những lời nói và hành động cụ thể.
Thực tế trong cuộc sống, có những người con dù rất yêu thương ba mẹ nhưng không biết cách nào bày tỏ. Ở họ, việc tâm tình và nói với ba mẹ những lời yêu thương như “Con yêu ba mẹ”, “Con nhớ ba mẹ” dường như là một điều gì đó rất ngại ngùng. Điều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một nguyên nhân có thể nhìn nhận đơn giản nhất là bởi họ không có thói quen. Vì sao không có thói quen? Bởi khi cá nhân còn nhỏ, trong sự quan sát và cảm nhận, trẻ không nhận thấy được cách thức thể hiện yêu thương từ ba mẹ mình đối với ông bà, khuôn mẫu này ghi dấu trong tâm hồn trẻ và nó vô tình trở thành một “khuôn mẫu”, “nếp văn hóa”… Xã hội phương Tây, con cái lớn lên vẫn rất dào dạt trao cho ba mẹ những cái ôm, những nụ hôn và những lời yêu thương… Nhưng đối với người Việt Nam những hành động ấy dường như rất ngại ngùng dù thực chất có lúc họ rất muốn mình sẽ hành động như thế… Thiết nghĩ, đối với nếp văn hóa của con người Việt Nam, không cần phải thể hiện yêu thương như cách của người phương Tây mà vẫn có thể mang lại những ấm áp và niềm hạnh phúc vô bờ đến với ba mẹ. Chị Hoa, nhân viên văn phòng chia sẻ rằng, với chị yêu thương được thể hiện bằng những hành động rất giản dị, không cầu kỳ, rất tự nhiên nhưng ba mẹ chị đều rất cảm động và tự hào về con gái mình. Đó là những buổi chiều cuối tuần chị ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, dành một ít thời gian xoa bóp cho ba, rồi tranh thủ những khoảnh khắc ấy chị tâm sự với ba mẹ những điều mà chị đã trải qua với công việc, với gia đình… Chia sẻ để ba mẹ thấy mình còn cần ba mẹ lắm, cần ba mẹ trong hành trình còn lại của cuộc đời dù mình đã lớn lên như thế nào đi nữa. Đối với người cao tuổi, hạnh phúc là cảm thấy mình còn được lắng nghe, được san sẻ và có ích cho con cháu. Sự dạt dào cảm xúc không chỉ như dòng máu lan chảy nội tại mà đã được nguyên lý của sự đồng cảm khai phá và làm nó sáng rực trong tâm trí.
Các bạn trẻ hãy tạo cho mình thói quen thể hiện cảm xúc với cha mẹ! Ảnh: IT
2. “Từ rất lâu, con đã muốn dành những lời tri ân đến cha mẹ bởi sự hy sinh mà cha mẹ đã dành cho anh em con cho tới ngày hôm nay. Nhưng năm nay con đã 22 tuổi rồi và con chợt nhận ra rằng, con thậm chí còn chưa bao giờ nói “Con yêu cha mẹ”, chưa bao giờ ôm cha mẹ và nói “Con cảm ơn cha mẹ” một lần…”. Không chỉ bạn Kim Lan (ĐH Bách khoa TP.HCM) có tâm trạng như thế mà hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ rất ngại khi bày tỏ cảm xúc của mình với ba mẹ mình. Tại sao lại như vậy?
Nhiều người không có thói quen bày tỏ cảm xúc, họ nghĩ rằng làm như thế là “sến”, là “bi lụy”, nên ngại bày tỏ tình cảm với những người thân yêu. Nhiều bạn trẻ ngày nay rất ít bộc lộ những cảm xúc yêu thương với ba mẹ mình. Họ cho rằng điều đó là không cần thiết, là “quê”. Họ có thể nói hàng ngàn lời có cánh, hàng trăm lời yêu thương, làm hàng vạn lần những hành động tuyệt vời để lấy lòng người yêu, chỉ mong được thấy nụ cười, niềm vui của người yêu còn với mẹ cha mình thì họ kiệm lời đến đáng sợ.
Trước khi làm quen với việc bày tỏ trực tiếp bằng lời nói, ta có thể thử bày tỏ bằng câu chữ. Như tặng thiệp cho bố mẹ vào những dịp sinh nhật, Ngày của mẹ, Ngày của cha… Trong thiệp, bạn sẽ viết những lời chúc ngọt ngào kèm những lời yêu thương gửi đến đấng sinh thành để thể hiện lòng biết ơn của mình. Sau một thời gian làm quen với việc bày tỏ tình yêu bằng câu chữ, việc thể hiện tình yêu bằng lời nói sẽ không làm khó được bạn nữa. Hãy trân trọng từng giây phút được kề cận bên mẹ cha bởi thời gian của họ không còn nhiều nữa…
Theo như bà Klare Heston, thạc sĩ công tác xã hội tại Mỹ, chia sẻ, thời gian là thứ quý giá nhất mà con cái có thể dành cho bố mẹ. Hãy trò chuyện với họ, chia sẻ về cuộc sống cá nhân. Hỏi xin ý kiến khi gặp vấn đề nan giải cũng là một cách khiến bố mẹ cảm thấy bản thân không phải người thừa trong đời con. Nếu cảm thấy ngại ngùng, khó mở lời, hãy thử tìm hiểu sở thích của bố mẹ. Từ đó ta có thể thấu hiểu suy nghĩ của người cao tuổi, trở nên gần gũi với họ hơn. Đồng thời, con cái cũng dễ dàng chia sẻ, tâm sự với bố mẹ sở thích cá nhân của mình, thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ. |
Bạn Nguyễn Ngọc Tuyết (sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) kể: “Cha tôi không biết chạy xe máy, cả đời lam lũ cha chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Vậy mà hồi cấp 2, ngày nào cha cũng đưa đón tôi đến trường. Nhiều lúc bị bạn bè chọc là “em còn bé lắm”, tôi cằn nhằn nói cha cứ để tôi tự đi một mình. Cha chỉ cười nhẹ rồi vẫn cứ đưa đón. Những hôm trời nắng gắt, cha ngồi trên yên sau trước cổng trường chờ đợi. Bản thân tôi không bao giờ thắc mắc, vì sao cha phải ngồi trên yên sau… Mới đây, tôi mới hiểu ra, cha luôn ngồi phía sau để yên xe không bị nóng, cha muốn “gánh” mọi cái nóng vào mình để khi tôi ngồi lên, cảm thấy dễ chịu và thoải mái… Tôi đã bật khóc, muốn được về nhà ôm cha vào lòng tạ lỗi nhưng cha đâu còn nữa… ”.
Cha mẹ đã cho ta quá nhiều, cái sự “cho” ấy cao hơn trời biển, “cho” mà không đòi hỏi, không nghĩ mình sẽ “nhận” lại. Bởi thế nên ông bà ta thường nói: “Nước mắt có chảy ngược bao giờ”, cha mẹ như những con tằm rút ruột nhả tơ, đem hết cái tinh túy, cái tốt nhất của cuộc đời mình để chăm lo, nuôi dạy, để “cho” hết con cái. Tình yêu của cha mẹ thật vĩ đại, nhưng tại sao các bạn trẻ chúng ta không một lần nghĩ về việc “cho lại” cha mẹ. Sự “cho” này không chỉ trông chờ vào những ngày lễ tết, mà phải được thực thi từ khi bạn cất tiếng khóc chào đời. Khó gì lời bày tỏ, khó gì tiếng nói “yêu cha mẹ”. Hãy hành động đi, vì mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi!
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)