Trong sách Ngữ văn 6 (bộ Cánh diều) có dạng bài viết kể lại một trải nghiệm và kể về một kỷ niệm. Một số thầy cô giáo có ý hỏi hai dạng bài này khác nhau thế nào?
Tôi xin nêu mấy điểm sau: Cả hai dạng đều thuộc kiểu văn bản tự sự; đều hướng đến yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn 2018 là: “Viết được bài văn kể lại một trải nghiệm của bản thân; dùng người kể chuyện ngôi thứ nhất chia sẻ trải nghiệm và thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể”. Khi cụ thể hóa yêu cầu này trong sách giáo khoa, người biên soạn cần đa dạng hóa các dạng bài để học sinh luyện tập cùng một kiểu văn bản nhưng đỡ nhàm chán và tránh trùng lặp. Vì thế sách Ngữ văn 6 đã đưa ra hai dạng: Kể về một kỷ niệm và kể lại một trải nghiệm.
Như sách giáo khoa đã nêu: Viết bài văn kể lại một trải nghiệm là kể lại một việc làm, một hoạt động, một tình huống… mà người viết đã trực tiếp trải qua. Trong bài viết, người kể thường xưng “tôi” – ngôi thứ nhất (bài 6). Còn viết bài văn kể về một kỷ niệm là “ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết, người kể sử dụng ngôi thứ nhất, thường xưng “tôi” (bài 3). Có thể thấy, kể lại một trải nghiệm rộng hơn kể về một kỷ niệm. Trải nghiệm là những việc làm; những hành động và sự việc mà mình đã từng tham gia, chứng kiến, đã biết, đã hiểu. Nhưng không phải trải nghiệm nào cũng thành kỷ niệm. Kỷ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được, hằn sâu trong trí nhớ của mỗi người. Cũng có nghĩa là một trải nghiệm chỉ trở thành kỷ niệm khi trải nghiệm đó để lại những ấn tượng sâu sắc, khó quên. Cho nên về thời gian, kỷ niệm là chuyện thường xảy ra đã lâu. Xảy ra đã lâu mà người viết vẫn nhớ và kể lại vì nó sâu sắc, khó quên. Cũng chính vì ý nghĩa ấy mà sách yêu cầu viết bài văn kể về một kỷ niệm sau khi học bài Hồi ký (bài 3), gồm: “Trong lòng mẹ” trích “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng; “Thời thơ ấu của Hon-đa” và bài tham khảo “Người thủ thư thời thơ ấu” (Nguyễn Thụy Anh) trong phần viết. Nhìn tên các văn bản, có thể thấy ở đây toàn kể về thời “thơ ấu”, một thời đã xa… Với học sinh lớp 6, kể lại cái thời đã xa ấy, chỉ có thể là các kỷ niệm khi học sinh còn rất nhỏ, nên để thực hành luyện viết chỉ là: “Kể về một kỷ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học”. Còn kể lại một trải nghiệm như đã nêu, không nhất thiết phải là thời đã xa mà chỉ là chuyện đã xảy ra, có thể hôm kia, tuần qua, tháng trước… Vì thế, yêu cầu luyện tập dạng bài này gắn với bài 6 sau khi học truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”, trong đó Tô Hoài kể lại chuyện Dế Mèn đã ân hận về câu chuyện “Bài học đường đời đầu tiên” ra sao. Trong trường hợp này, trải nghiệm của Dế Mèn thực sự đã trở thành một kỷ niệm khó quên. Còn với học sinh lớp 6 chỉ cần yêu cầu như sách đã nêu: “Viết bài văn kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em”. Một chuyến đi bình thường là một trải nghiệm, nhưng một chuyến đi đáng nhớ thì là một kỷ niệm. Cả hai đều kể với ngôi thứ nhất, nhưng kỷ niệm thường yêu cầu “kể về”, còn trải nghiệm thì yêu cầu “kể lại”… Trong việc biên soạn sách giáo khoa, có những điều khó nói hết, khó bày ra tất cả trên trang sách. Vì thế, các thầy cô cứ mạnh dạn nêu lên để trao đổi, làm rõ.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)