Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Công an TP vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 478 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2013-2023. Kết quả cho thấy, được sự hỗ trợ và tham gia tích cực của nhân dân cũng như các tổ chức chính trị – xã hội, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từng khu dân cư nói riêng và toàn TP nói chung đã ngày càng ổn định, tệ nạn xã hội cũng giảm dần…
Nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen, giấy khen
Nhiều mô hình hay, hiệu quả
Là thành viên Ban Chỉ đạo của Chương trình phối hợp số 478 giữa MTTQ Việt Nam TP và Công an TP, với sự chủ động, Ban Thường vụ Thành đoàn TP đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp 478 gắn với các phong trào hành động cách mạng của Đoàn. Trong đó, tập trung đầu tư các giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của chương trình thông qua phong trào tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với việc tập trung chỉ đạo 312 Đoàn phường, xã, thị trấn thực hiện thông qua tiêu chí “an toàn” trong việc xây dựng khu phố, ấp “an toàn – văn minh – hiện đại – nghĩa tình”.
Đối với Hội Nông dân TP thì chú trọng đến mô hình hội viên nông dân tự quản về an ninh trật tự. Các cơ sở hội đã vận động thành lập được 358 mô hình, tổ tự quản về an ninh trật tự; ngăn ngừa được 673 vụ vi phạm pháp luật tại địa phương; phát huy hiệu quả hoạt động của 83 câu lạc bộ nông dân với an toàn giao thông tham gia điều tiết giao thông trong giờ cao điểm, lắp đặt camera an ninh trên các tuyến đường nông thôn… Đồng thời phối hợp tổ chức, quản lý, giáo dục, cảm hóa 4.037 đối tượng, trong đó có hơn 2.642 đối tượng tiến bộ được đưa ra khỏi diện quản lý; đã trợ vốn, giới thiệu việc làm cho 689 đối tượng với tổng số tiền 3,45 tỷ đồng; vận động hơn 1.972 đối tượng tự nguyện tham gia vào các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương.
Tại quận Phú Nhuận, nổi bật với mô hình “camera an ninh phòng chống tội phạm”. Mô hình do MTTQ cùng với chính quyền cấp quận, phường đã tích cực vận động mạnh thường quân, nhân dân đóng góp kinh phí thực hiện. Tính đến tháng 4-2023 đã có 99 đầu thu, 1.529 camera với số tiền trên 3,6 tỷ đồng được lắp đặt trên địa bàn 13 phường của quận. Từ khi lắp đặt hệ thống camera, những hoạt động xảy ra trên các tuyến đường, tuyến hẻm đều được ghi lại. Theo đó khi phát hiện có dấu hiệu phức tạp, bất thường, hệ thống camera đã hỗ trợ kịp thời cho lực lượng công an phường theo dõi nắm bắt và nhanh chóng xử lý các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự.
Nhân dân trực tiếp bắt gần 6.700 đối tượng phạm tội
Theo Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Công an TP, qua 10 năm triển khai chương trình phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức thành viên và Công an TP sát với tình hình thực tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; đặc biệt đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động và nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Công tác phối hợp giữa lực lượng công an với Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên được chủ động và ngày càng có sự gắn kết. Việc lồng ghép nội dung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vào mục tiêu, chỉ tiêu thi đua của các cơ quan, đơn vị gắn với các cuộc vận động và các phong trào khác được thực hiện linh hoạt, đổi mới, phong phú, thiết thực. Qua các nội dung hoạt động của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc, khu dân cư ngày càng lành mạnh giúp kéo giảm tội phạm.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phối hợp, có lúc, có nơi tại một số đơn vị và công an quận, huyện vẫn còn hạn chế, thiếu sót. Công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện chương trình còn chậm; hình thức và nội dung chương trình chưa đi vào cụ thể và phù hợp với đặc điểm tình hình từng đơn vị, địa phương. Công tác phối hợp thông tin, báo cáo sơ, tổng kết ở một số địa phương còn chậm trễ, báo cáo chưa đầy đủ và phản ảnh đúng thực chất kết quả thực hiện các nội dung trong chương trình phối hợp; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên”, ông Nhàn thừa nhận.
Theo báo cáo, trong 10 năm qua, công an các cấp phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức 377.853 buổi tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với 11.763.218 lượt người tham dự; 204.872 lượt xe hoa lưu động; phát hành 7.620.692 thông báo, tài liệu, tờ tin, tờ bướm tuyên truyền. Bên cạnh đó, nhân dân đã cung cấp cho các cơ quan chức năng 271.151 nguồn tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật (trong đó có 121.496 tin có giá trị), giúp lực lượng công an xác minh làm rõ 35.463 vụ việc, bắt giữ 38.089 đối tượng, thu hồi tài sản trên 86,9 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dân trực tiếp bắt 6.686 đối tượng phạm tội quả tang, thu hồi tài sản trên 60 tỷ đồng; giao nộp 304 súng các loại, 5.916 viên đạn, 44 lựu đạn, 16 kíp nổ, 14.828 công cụ hỗ trợ, dao lê, mã tấu và hung khí tự tạo khác; cung cấp tin và phối hợp cùng công an bắt trên 800 đối tượng có lệnh truy nã.
“Tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn TP.HCM từ năm 2013 đến nay liên tục kéo giảm. Năm 2013 xảy ra 6.218 vụ, đến năm 2022 giảm còn 4.266 vụ”, ông Nhàn khẳng định.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải biểu dương các tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực cho phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; đồng thời đề nghị thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ nhằm đưa phong trào đi vào chiều sâu, thực chất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Phú Cát
Bình luận (0)