Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Người tiêu dùng không chỉ mất tiền mà đôi khi còn rước bệnh vào người nếu những sản phẩm này là thực phẩm, thuốc ăn uống trực tiếp…
Lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ hàng chục ngàn lọ, chai thực phẩm chức năng giả tại căn nhà cấp 4 ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ
Đủ kênh bán hàng giả, hàng kém chất lượng
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán ở khắp nơi. Từ các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa đến chợ online và thậm chí bán tại hội thảo, hội chợ.
Riêng với chợ online, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
“Các hành vi vi phạm tồn tại trong môi trường thực tế đều xuất hiện trên môi trường mạng xã hội. Vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng, cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online). Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả…”, bà Huyền cho biết.
Với “chiêu” hội thảo, các đối tượng mời người dân đến tham dự rồi tặng quà và bán hàng kém chất lượng. “Con mồi” mà đối tượng nhắm đến thường là các bà nội trợ, những người ở nông thôn…
Gần đây nhất, ngày 31-3, lực lượng quản lý thị trường và Công an TP.Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra một điểm bán hàng kém chất lượng theo mô hình “hội thảo”. Trước đó, tại tầng 2, chợ Cầu Vồng, (phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng), mỗi ngày có khoảng 200 hành khách là tiểu thương của chợ, những người cao tuổi sinh sống tại phường Hải Sơn đến đây để nghe thuyết trình, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Để tạo sự tin tưởng và kích thích người dân mua hàng, ban đầu các đối tượng tặng đường, mỳ chính, gạo, dầu ăn… Sau đó, thuyết phục người dân mua các sản phẩm là trà mật ong sâm HONEY, kem đánh răng Hắc Sâm, thực phẩm chức năng An Cung Hoàn…
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm thực phẩm chức năng An Cung Hoàn là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, bao bì có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn không có thông tin về đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm đối với hàng hóa và số công bố, tiếp nhận công bố của sản phẩm.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.Hải Phòng, chiêu trò lừa đảo bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trá hình dưới những cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm kèm tặng quà khuyến mại để dụ dỗ người dân mua hàng là những thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ cả tin “sập bẫy”. Các đối tượng thường nhằm vào nhóm người cao tuổi, phụ nữ nhẹ dạ cả tin để lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận. Để ngăn chặn tình trạng này, hơn hết mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phi pháp.
Thực phẩm chức năng “xịn” sản xuất ở… nhà cấp 4
Điều kiện kinh tế phát triển, theo đó nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để làm đẹp cũng như bồi bổ sức khỏe của người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng may mắn, “thông minh” để mua được sản phẩm chính hãng. Rất nhiều người đã bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để rước về những chai collagen, hộp sữa ong chúa của Nhật, Úc, Mỹ… được sản xuất tại những căn nhà cấp 4 ở Việt Nam.
Mới đây, ngày 31-5, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện và thu giữ gần 12.000 lọ thực phẩm chức năng được “ra lò” tại một căn nhà cấp 4 ẩm thấp nằm sâu trong thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, trên diện tích khoảng 50m2, ẩm thấp, chật chội, bốn công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác. Tiếp theo đó, các công nhân sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collagen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA… lên phía ngoài vỏ hộp. Bước cuối cùng, một tem chống hàng giả được dán lên.
Tạm giữ gần 7.000 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc Tại TP.HCM, triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” tháng 5-2023, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 83 vụ, trong đó có 34 vụ vi phạm, đã tạm giữ 6.961 đơn vị sản phẩm thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cũng trong tháng 5, các đội quản lý thị trường kiểm tra 4.816 vụ chuyên ngành và liên ngành, có 251 vụ vi phạm. Theo đó, thu nộp ngân sách với số tiền là 8.481.629.000 đồng, trong đó 4.517.524.000 đồng tiền thu phạt hành chính, và tiền bán hàng tịch thu 3.964.105.000 đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 1,17 tỷ đồng. Trong tháng 5, lực lượng quản lý thị trường TP đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ, trong đó có 1 vụ hàng giả và 1 vụ hàng lậu. H.Triều
|
Lực lượng chức năng ghi nhận, bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam…
Ngoài gần 12.000 lọ thực phẩm chức năng, lực lượng chức năng còn ghi nhận 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 vỏ hộp giấy các loại…
Theo lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), đây là vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Các đối tượng chủ động chọn một căn nhà dân nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để thực hiện hoạt động sản xuất hàng giả.
Ngày 1-6, Đội Quản lý thị trường số 1 đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc có dấu hiệu hình sự tại cơ sở này đến Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để xử lý theo quy định.
Đức Việt
Bình luận (0)