Hội nhậpThế giới 24h

Latvia, Estonia rút khỏi nhóm hợp tác với Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Latvia và Estonia vừa chính thức rút khỏi một nhóm hợp tác thương mại do Trung Quốc khởi xướng tại khu vực Trung và Đông Âu, tiếp sau động thái tương tự của Lithuania hồi năm ngoái.

Động thái của Latvia và Estonia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang vì những bất đồng xung quanh vấn đề Đài Loan và xung đột Nga – Ukraine.

Một hội nghị thượng đỉnh của nhóm 16+1 gồm Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu năm 2019. Ảnh: aicgs.org

Reuters dẫn thông cáo ngày 11/8 của Bộ Ngoại giao Latvia cho biết, việc nước này tiếp tục tham gia nhóm hợp tác của Trung Quốc "không còn phù hợp với các mục tiêu chiến lược của đất nước trong môi trường quốc tế hiện nay".

Trong các tuyên bố riêng rẽ cùng ngày, cả Latvia và Estonia đều khẳng định sẽ tiếp tục hướng tới "quan hệ mang tính xây dựng và thực chất với Trung Quốc", đồng thời tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Estonia chưa đưa ra bất kỳ phát biểu nào liên quan đến diễn biến trên. Các đại sứ quán Trung Quốc ở Riga, Latvia và Tallinn, Estonia cũng không phản hồi yêu cầu bình luận về sự việc.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, diễn đàn thương mại do Bắc Kinh thành lập cách đây một thập kỷ, quy tụ các nước Trung và Đông Âu, có tên gọi ban đầu là nhóm hợp tác 16+1 và sau đó là 17+1 khi Hy Lạp tham gia vào năm 2019. Nhóm ra đời để Bắc Kinh tăng cường thương mại và đầu tư với châu Âu.

Tuy nhiên, nhóm được cho đã mất động lực thời gian gần đây. Năm ngoái, Lithuania đã rút khỏi nhóm với lí do kết quả kinh tế không mấy khả quan, trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xấu đi sau khi Vilnius cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở văn phòng ngoại giao.

Trong số các quốc gia hiện vẫn còn tham gia nhóm hợp tác có Bulgaria, Croatia, CH Séc, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao CH Séc hồi tháng 5 từng tuyên bố, lời hứa về các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc và thương mại đôi bên cùng có lợi đã không được thực hiện. Trước đó, nhiều nghị sĩ trong quốc hội Séc cũng kêu gọi nước này rời khỏi nhóm.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)