Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trở về “ Đất Viên An”, nhớ người thầy – liệt sĩ Phan Ngọc Hiển

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi đc li bài thơ “Đt Viên An” (*) ca nhà thơ Nguyn Bá trong mt ngày đu tháng 7 đy nng vàng nơi min Tây Nam b. Thi gian vn trôi không ngng mà cm xúc ca nhà thơ dưng như vn còn vương vn đâu đây? Con thuyn thơ lc bát vi nhng hình nh gi t, gi cm đã đưa tôi v mnh đt Viên An, mnh đt Cà Mau “Thành đng T quc” thu nào!


Thy giáo – lit sĩ Phan Ngc Hin

Đất Viên An! Một chấm xanh trên bản đồ Tổ quốc bỗng lung linh sắc màu huyền diệu. Mảnh đất kiên cường, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Biển và rừng đã từng chứng kiến hình ảnh những con người vì nước quên thân. Họ giác ngộ cách mạng, được cách mạng giáo dục, rèn luyện ý chí, nghị lực phi thường. Đó là thầy giáo – liệt sĩ Phan Ngọc Hiển, người con của quê hương Cà Mau đã đi vào trang sử đỏ chống giặc ngoại xâm.

Tác giả hình dung ra nơi mảnh đất cuối trời lộng gió này đã vào mùa đông và màu lá vàng nhuộm đầy những cánh rừng tràm, rừng đước: “Chắc bây giờ ở Viên An/ Mùa đông đã rải lá vàng trong cây/ Nước rong đã ngập bãi lầy/ Từng đàn sóng vượt biển đầy hát ca…”. Bằng biện pháp nhân hóa (Mùa đông đã rải lá; từng đàn sóng…) cho người đọc thấy được sự gần gũi, thân thiết của thiên nhiên. Bởi thiên nhiên ở đây là bạn thân của con người và con người cảm nhận được sự đổi thay tinh tế xung quanh khi mùa về. Viên An có rừng, có biển, có phù sa của bãi bồi và có những người con dũng cảm trước mọi thử thách. Giữa cảnh trời mây man mác, bâng khuâng đó, tác giả nhớ về ngày Nam Kỳ khởi nghĩa; vùng lên chống lại sự áp bức của thực dân Pháp thuở nào: “Ơi vùng sông nước bao la/ Tháng mười một, ngày hăm ba đến rồi/ Nghe không? Có tiếng ai cười/ Búa liềm cuộn gió bốn mươi bay về/ Hòn Khoai dựng đá làm bia/ Nhớ thương chiếc lá đã lìa cành cao…”. Bão tố cách mạng đã làm rung chuyển một miền quê; khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (13-12-1940). Hòn Khoai còn ghi dấu, còn mãi tiếc thương người con quê hương đã ngã xuống. Hình ảnh gợi tả, sinh động (Nhớ thương chiếc lá đã lìa cành cao) càng nhân lên sự đau đớn trước tấm gương hy sinh của Phan Ngọc Hiển. Chiếc lá đang xanh đã vội lìa cành vì sự hèn hạ, bắn giết, khủng bố của kẻ thù.

Lời thơ như chùng xuống bởi chính tại nơi này, Phan Ngọc Hiển, người Cộng sản kiên cường đã hy sinh anh dũng: “Ơi người anh, mất rồi sao?/ Mấy mươi năm, vết chân nào còn đây?/ Lời thề khắc ở trong cây?/ Máu nào ứa mặn đất này Viên An”. Hai mươi bảy năm sau (1940-1967), trong những tháng ngày chống Mỹ ác liệt, nhà thơ Nguyễn Bá trở lại Viên An. Cảnh xưa còn đó mà người xưa nào còn (Mấy mươi năm, vết chân nào còn đây?). Dấu chân anh – dấu chân người chiến sĩ cách mạng như vẫn còn in trên mỗi nẻo đường quê hương đất mũi. Dòng máu đỏ của anh đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, chống giặc ngoại xâm của mảnh đất thiêng liêng này. Người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy dẫu thể xác đã hóa thân vào đất mẹ, nhưng tinh thần vẫn sống mãi với quê hương. Niềm tin vào cách mạng, niềm tin vào ngày mai thắng lợi vẫn còn đây: “Ta còn gởi lửa trong than/ Gởi người trong đất, đất mang tên người/ Đất này là đất bốn mươi/ Phan Ngọc Hiển! Đất sáng ngời tên anh!”. Sự hy sinh đó đã tiếp thêm màu xanh, tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin son sắt. Cả một vùng sông nước nơi cuối trời trùng trùng điệp điệp một màu xanh. Đất Viên An, đất của màu xanh bình dị mà ẩn giấu bao sức mạnh quật cường: “Đất này đất của màu xanh/ Cây xanh màu đước, nước xanh màu trời/ Áo xanh, xanh bóng cuộc đời/ Ngôi sao xanh ánh mắt người mình thương/ Biển xanh, xanh sắc đại dương/ Rừng xanh, xanh sắc quê hương anh hùng”. Một loạt hình ảnh sinh động, gợi tả (cây xanh, nước xanh, áo xanh, ngôi sao xanh, biển xanh, rừng xanh) đã khắc họa nên màu xanh bát ngát của đất Viên An, của rừng Cà Mau oai hùng (Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù – Tố Hữu). Trong sắc màu xanh bạt ngàn đó, hiện lên lung linh hình ảnh con người đất mũi giàu lòng yêu thương, thủy chung son sắt một đời cùng cách mạng. Cả cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển là tấm gương cho mọi thế hệ noi theo. Sống vì dân, vì nước và hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc thân yêu: “Hỡi người Anh rất kính yêu/ Một đời bão táp không xiêu cánh buồm/ Sống vui nên chết không buồn/ Tấm gương lọc nước trăm nguồn trong veo”. Cả cuộc đời anh đã hiến dâng cho lý tưởng cao đẹp. Anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và sự hy sinh ấy đã làm cho cả thiên nhiên, sông nước cũng kính cẩn nghiêng mình cảm phục. Hồn người xưa như vẫn còn vương vấn đâu đây? Ngọn gió dường như vẫn còn thơm thảo tấm lòng người chiến sĩ cách mạng: “Chắc bây giờ ở Viên An/ Nắng đùa bóng nước ngả ngang mũi Cồn/ Các ca về lượn quanh hòn/ Có nghe ngọn gió thơm hồn người xưa?”. Đất Viên An vẫn còn in bóng hình anh, bóng hình của một con người kiên trung, bất khuất. Màu nắng ấy, bóng đước quê hương ấy và đàn chim “các ca”, loài chim biển ấy luôn đón lấy ánh mặt trời; đón lấy dáng hình thầy giáo – liệt sĩ Phan Ngọc Hiển hiện lên lồng lộng nơi mảnh đất “Thành đồng của Tổ quốc”…

Lê Lam Hng

(*) Bài thơ “Đất Viên An” – tác giả Nguyễn Bá, Thơ Việt Nam thế kỷ XX – Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)