Chưa có chức danh giáo viên chính thức cho bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018, các trường THPT tại TP.HCM hiện đang cân đối nguồn lực để sắp xếp giáo viên đảm nhiệm bộ môn này.
TP.HCM chủ động sắp xếp giáo viên giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018
Chủ động tính toán bài toán nhân sự
Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một trong 8 bộ môn bắt buộc ở bậc THPT trong Chương trình GDPT 2018. Với tổng số tiết học là 105 tiết, tương đương với thời lượng 3 tiết/tuần. Dù là bộ môn mới, được “điểm mặt, gọi tên” song hiện nay, giáo viên “Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp” lại chưa có chức danh chính thức. Để có giáo viên đảm nhiệm giảng dạy môn học này trong năm học 2022-2023, các trường THPT tại TP.HCM đã linh hoạt trong sắp xếp đội ngũ.
Tại Trường THPT Phước Long (TP.Thủ Đức), với tỷ lệ học sinh khối 10 lựa chọn các môn thiên về khoa học tự nhiên cao gấp 3 lần so với các em chọn nhóm môn khoa học xã hội, cô Nguyễn Thị Hà – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với cách thức triển khai các môn tự chọn nhằm đảm bảo mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong chương trình mới nên sẽ có những giáo viên nhiều tiết và giáo viên dạy ít tiết. Thực tế này đã được nhà trường dự đoán trước và chủ động tính toán bài toán nhân sự.
“Trường lựa chọn các giáo viên bộ môn như địa lý, giáo dục công dân hay giáo viên phù hợp vào việc tập huấn để tham gia giảng dạy nội dung giáo dục địa phương. Đối với hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, trường lựa chọn giáo viên đã từng làm công tác chủ nhiệm khối 12 nhiều năm liền để tập huấn. Dù vậy, trong năm học 2022-2023 – năm đầu tiên triển khai chương trình mới, nhà trường lựa chọn 1 giáo viên công nghệ nông nghiệp để đảm nhiệm vai trò giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương do có sự phù hợp và đảm bảo số tiết cho giáo viên…”, cô Hà thông tin.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10 trong năm học 2022-2023, nhà trường thiết kế các nhóm 4 môn học lựa chọn một cách phù hợp nhất, tính toán làm sao vừa đáp ứng được nguyện vọng của học sinh theo định hướng nghề nghiệp, vừa đảm bảo được cân đối nguồn lực đội ngũ của trường, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
“Đối với giáo viên bộ môn giáo dục công dân, công nghệ là những bộ môn có số tiết ít trong chương trình mới do học sinh ít lựa chọn, nhà trường sắp xếp những giáo viên này đảm nhiệm giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong chương trình chứ không giao cho giáo viên chủ nhiệm. Việc này sẽ giúp đảm bảo đội ngũ có sự đồng đều trong số tiết đứng lớp, quan trọng hơn cả là có sự phù hợp khi giảng dạy…”, cô Nguyễn Thị Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn
Triển khai Chương trình GDPT 2018 trong năm đầu tiên, Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12) chú trọng tính toán bài toán cân đối giáo viên, để làm sao không xảy ra tình trạng “người ăn không hết, người lần không ra”.
“Mục tiêu của chương trình mới là hướng đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Học sinh được lựa chọn các nhóm 4 môn học lựa chọn theo mục tiêu đó. Điều này đặt ra thực tế là có một số bộ môn ít được học sinh lựa chọn thì số tiết dạy của giáo viên ít hơn. Do vậy, với các bộ môn như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương, nhà trường bố trí các giáo viên ít tiết hơn như giáo viên công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật đảm nhiệm giảng dạy”, cô Đỗ Thị Việt Phương – Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Trong việc sắp xếp đội ngũ giảng dạy Chương trình GDPT 2018 ở năm đầu tiên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý, các nhà trường cần tính toán đội ngũ dựa trên đặc thù của đơn vị mình. Trong đó, đáp ứng được nguyện vọng học tập các nhóm môn lựa chọn của học sinh song không gây ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên.
Riêng việc sắp xếp giáo viên giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương, ông Quốc cho biết tùy theo đội ngũ mà mỗi đơn vị trường học bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, việc sắp xếp cần đảm bảo hài hòa quyền lợi của người học, người dạy đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên để thầy cô “chắc tay” khi đứng lớp.
Khương Yến
Bình luận (0)