Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM đặt 14 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.


Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đặt ra 14 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành giáo dục năm học 2022-2023

Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi;  Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Thị Kim Yến…

Áp lực cao về sĩ số học sinh

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2.355 trường với hơn 1,6 triệu học sinh. Đây là năm học được đánh giá hết sức đặc biệt của ngành giáo dục thành phố do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Năm học bắt đầu với việc học trực tuyến kéo dài, gần như suốt học kỳ 1. Với tinh thần an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, ngành giáo dục thành phố đã linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến, trực tiếp.

Xuyên suốt năm học, ngành giáo dục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, xây dựng kho học liệu số… hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, giúp các nhà trường vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, tiếp tục đẩy mạnh các đề án như dạy tiếng Anh, chuyển đổi số…, hoàn thành mục tiêu kép vừa dạy học vừa phòng chống dịch.

Kết quả đạt được: tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học là 74,1%, đối với THCS là 63,2%, đối với THPT là 95,3%. Tính đến 28-4, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3- 18 tuổi) trên địa bàn thành phố đạt 294 phòng học.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt gần 99% trong đó môn tiếng Anh tiếp tục 6 năm liền dẫn đầu cả nước với điểm trung bình cao; 2 học sinh đạt giải quốc tế, 15 học sinh đạt giải khu vực, 117 học sinh đạt giải cấp quốc gia…

Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở nhận được nhiều chia sẻ khó khăn vướng mắc, tồn tại thực tế các đơn vị. Tập trung khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp trước áp lực tăng số, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia khó khăn; về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn học liệu trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018; xây dựng trường ngoài công lập do thiếu quỹ đất, thủ tục chuyển đổi đất còn nhiều vướng mắc…

Ngoài ra còn là những khó khăn khi triển khai Chương trình GDPT 2018: thiếu giáo viên tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; khó về tài liệu giáo dục địa phương; việc dạy 2 buổi/ngày; bất cập trong cơ sở giáo duc nghề nghiệp, khó khăn dạy chương trình GDPT 2018.

14 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới

Báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, ngành giáo dục chủ động, tích cực thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Triển khai năm học 2022-2023, ngành giáo dục TP.HCM đề ra 14 nhiệm vụ trọng tâm:

1.Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lí nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Triển khai theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn các đề án, chương trình đột phá của ngành.

2. Tiếp tục thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai nhiệm vụ năm học chủ động, linh hoạt, vừa phù hợp với tình hình dịch bệnh, vừa kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng giáo dục. Tham mưu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN. Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.

4. Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học. Tiếp tục tổ chức tốt, nghiêm túc, an toàn, hiệu quả các kỳ khảo sát, thi tuyển sinh đầu cấp, chuẩn bị phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022- 2023 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình thành phố.

5. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

6. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong giáo dục; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá. Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở; Phát triển, ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến, thiết lập hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.

7. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở GD-ĐT; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục…

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.

9. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, phấn đấu đạt chỉ tiêu đến hết năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Tăng cường kiểm tra công tác đầu tư, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tăng cường xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư giáo dục.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao bằng khen của UBND TP.HCM cho các tập thể lao động xuất sắc năm học 2021-2022

10. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập.

11. Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở. Tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018.

12.Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, xây dựng thành công đề án phát triển giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Chú trọng tăng cường năng lực tiếng Anh cho người dạy và người học.

13. Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng.

14. Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.

Dịp này, UBND TPHCM đã khen thưởng 125 tập thể Lao động Xuất sắc năm học 2021-2022.

Yến Hoa

Bình luận (0)