Không chỉ liên tục “chiếm sóng” trong các gameshow truyền hình hiện nay, các TikToker nổi tiếng còn “khuấy đảo” thảm đỏ các sự kiện văn nghệ và tấp nập đóng MV/phim, làm MC, thi hoa hậu…
TikToker chiếm thế thượng phong
Mới đây, trong buổi showcase của ban nhạc New Hope Club (Anh) tại TP.HCM, không ít khán giả “hết hồn” khi nghe giọng MC là một TikToker có tiếng (hơn 564.000 người theo dõi) vang lên. Giọng nói “chói tai” là một chuyện, lại thêm mỗi lần giao lưu, cô toàn “wow, wow” và tăng tông chót vót như hú hét. Theo dõi show diễn, trong khi âm nhạc mà các chàng trai đến từ nước Anh gây xúc cảm bao nhiêu thì khi MC xuất hiện, như chia sẻ của khán giả Ngọc Nguyễn (Q.Bình Thạnh,TP.HCM): “Cô ấy chỉ khiến người xem ức chế, khi tự nhiên một cách vô độ, muốn nói gì nói, kỹ năng thì không có mà tự tin có thừa. Ai đời đi bày tiếng Việt cho sao quốc tế mà lấy câu “bất ngờ chưa bà già”, dù nó có là trend trên TikTok nhưng trên sân khấu mang tính giao lưu quốc tế như vậy thì thật chẳng có duyên gì”.
Sự “tràn ngập” của các TikToker dễ thấy nhất ở các show truyền hình và thảm đỏ sự kiện ra mắt phim, giới thiệu MV. Không ít nhà báo văn hóa giải trí có thâm niên khi dự buổi chiếu ra mắt phim gần đây đã thốt lên: “Ra mắt phim mà toàn giới thiệu TikToker là sao!”, “mình nghĩ mình khá am tường showbiz cho tới hôm nay – khi MC giới thiệu hàng loạt TikToker mà mình không biết ai luôn”… Thậm chí, ở một sự kiện văn hóa khác, một hot TikToker còn vô tư nhún nhảy, hú hét trên thảm đỏ khiến nghệ sĩ tham dự chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. Còn ở các show thời trang có tiếng, hàng ghế đầu lại dành cho không ít TikToker dù họ chẳng có chuyên môn thời trang hay hoạt động trong showbiz…
(Từ trái qua) TikToker Lê Bống, Long Chun, Trà Đặng từng bị khán giả Nhanh như chớp phản ứng vì sự “ồn ào”, “không phù hợp màn ảnh nhỏ” khi tham gia chương trình này. Ảnh: Đ.T
“Chỉ vì hot trên TikTok mà nhà tổ chức bất chấp những tai tiếng của các TikToker, mời họ dự event hay ngồi hàng ghế danh dự mà lẽ ra lâu nay, chỉ người có uy tín, chuyên môn cao mới xứng đáng được ngồi. Một người gây chú ý bởi những phát ngôn lẫn ăn mặc phản cảm lại ngồi hàng đầu của show diễn Tuần lễ thời trang quốc tế VN, còn một người dính nhiều thị phi lẫn bị chỉ trích với clip câu view trên TikTok lại nhận một giải “nhân ái” trong một cuộc thi hoa hậu… Có vẻ như các giá trị đảo lộn, vì sức hút của những lượt yêu thích trên TikTok đang trở thành xu hướng – mục tiêu nhắm đến của các nhà sản xuất, tổ chức. Nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc hay tài năng đến đâu cũng xếp sau hot TikToker”, một nghệ sĩ chạnh lòng bày tỏ.
Những vấn đề đặt ra với nhà quản lý
Không thể phủ nhận, so với các nền tảng khác, TikTok giúp người làm nội dung nhanh chóng tiếp cận công chúng, cũng như nổi tiếng dễ dàng. Chẳng hạn, chỉ phát âm chệch cụm từ tiếng Anh “let’s go” thành “gét gô” thôi mà câu hô hào này trở thành trend suốt thời gian dài. Song, như một nhà sản xuất nhìn nhận “cũng chính vì dễ nổi tiếng (với bất kỳ nội dung gì), dễ được săn đón nên các TikToker có lượng theo dõi lớn đần trở thành “át chủ bài” của các sự kiện cần được “viral” trên mạng xã hội”.
Theo phân tích của PGS-TS, nhà tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội): “Người có thể tạo trend là người luôn được chú ý, thậm chí ngưỡng mộ. Và khi đang có xu hướng mọi sự chú ý của xã hội chỉ tập trung vào người tạo trend thì không cần biết trend đẹp hay chưa, phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ hay không…, miễn tạo được trend là nổi tiếng, là có tiền, là được nhiều quyền lợi và được săn đón”. Ông Nam cảnh báo nguy cơ: “Đến một lúc nào đó, những giá trị mang tính chất nhân bản nhất của con người không được chú ý bằng một câu nhạc chế, câu nói vu vơ, hành động ngớ ngẩn…”.
Điều này cũng được một nhà sản xuất thừa nhận, bởi theo vị này “các nhãn hàng nhiều khi chẳng cần biết trend do TikToker đó tạo ra tác động lâu dài ra sao hay ảnh hưởng thế nào, chỉ cần không vi phạm pháp luật, hiệu quả ngay lập tức – tạo được sự chú ý, lượt view cao là được”.
“Khi nền kinh tế đang được vận hành dựa trên sự chú ý, thì ai đi theo trend là số 2, còn người tạo ra được trend là số 1. Vì vậy các nhà tổ chức, nhãn hàng… mong muốn thuê – mời những người này, bởi điều mà họ muốn thấy ngay là lượt xem. Theo đó, những người tạo trend trở nên có giá, nổi tiếng hơn lúc nào hết”, ông Nam nói và chia sẻ thêm: “Tâm lý giới trẻ hiện nay là mọi thứ phải nhanh, tốc độ; con người nói chung thì ngày càng thiếu kiên nhẫn, ít đào sâu và dễ bị căng thẳng do tốc độ làm việc cao. Nên người ta chỉ thích những gì nhanh, bề mặt – như là thuốc giảm đau để làm việc tiếp chứ không phải để bồi dưỡng tâm hồn hay chữa trị tận gốc”.
Ông Nam cho rằng: “Trong khi nghề nào cũng có nguyên tắc đạo đức riêng, nhưng nhóm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội có quy định cụ thể hay nguyên tắc đạo đức gì đâu? Do đó, bản thân các “ông lớn” khi vào hoạt động tại VN cần phải có những điều chỉnh tiêu chuẩn cộng đồng phù hợp. Còn chúng ta muốn quản lý – nhất là về mặt văn hóa, thì bản thân chính sách cũng cần được xây dựng một cách cụ thể hơn cho người làm công việc sáng tạo nội dung – tạo sự chú ý trên mạng xã hội. Người làm chính sách, nhà quản lý phải nhận ra điều đó để chữa tận gốc những cái chưa hay, chưa đẹp, chứ không chỉ phát thuốc giảm đau”.
Theo Nguyên Vân/TNO
Bình luận (0)