Cùng với học sinh cả nước, gần 1,7 triệu học sinh TP.HCM đã chính thức bước vào năm học mới 2022-2023. Vượt qua một năm học nhiều biến động, thầy trò thành phố lại ra sức phấn đấu, hân hoan và hy vọng về một năm học nhiều đổi mới dù còn khó khăn song cũng đầy kỳ vọng…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh trống khai giảng năm học mới
Trong thách thức sẽ mở ra những đột phá
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở bậc THPT, bắt đầu từ khối lớp 10. Tình trạng thừa và thiếu giáo viên cục bộ là thực trạng xảy ra ở nhiều trường trong năm học mới, do học sinh được lựa chọn các nhóm môn học lựa chọn ở bậc lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, đòi hỏi các nhà trường, giáo viên phải phát huy hơn nữa sự năng động, chủ động, tự chủ để thực hiện có hiệu quả mục tiêu mà chương trình đặt ra.
Thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cho biết, năm học 2022-2023, trường có 16 lớp 10 với 7 nhóm môn lựa chọn. Trong đó, học sinh đa phần lựa chọn nhóm môn lý, hóa, sinh, tin học với 8 lớp 10. Theo thầy, sẽ có thực trạng có giáo viên có nhiều tiết dạy, có giáo viên ít tiết dạy. Nhà trường cân đối, bố trí giáo viên sao cho phù hợp với đặc thù nhà trường, đảm bảo không quá chênh lệch trong giờ dạy của giáo viên. Ví dụ, giáo viên công nghệ lớp 10 do ít học sinh lựa chọn môn học này nên giáo viên sẽ được bồi dưỡng thêm để đảm nhiệm môn nội dung giáo dục địa phương, trải nghiệm hướng nghiệp…
“Năm học mới, nhà trường thiếu giáo viên tin học khi vẫn chưa tuyển dụng được mà phải hợp đồng thỉnh giảng 1 giáo viên để đảm bảo đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh. Mỹ thuật, âm nhạc, ngoại ngữ 2 nhà trường không tổ chức vào Chương trình GDPT 2018 do khan hiếm giáo viên, song đưa vào chương trình ngoài nhà trường, đảm bảo học sinh được học năng khiếu với thanh nhạc, tiếng Pháp. Đến giờ, mọi sự chuẩn bị cho năm học mới đều sẵn sàng và “vào nhịp”, trong thách thức sẽ mở ra những đột phá, trường kỳ vọng chương trình mới ở bậc lớp 10 năm học này sẽ thành công để tạo tiền đề cho các năm học sau”, thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa bày tỏ.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chụp hình cùng tập thể giáo viên và các em học sinh Trường THCS Lê Thành Công (huyện Nhà Bè). Ảnh: Hồ Trinh
Tương tự, tại Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1), 1.600 học sinh cũng đã bước vào năm học mới 2022-2023 với niềm hứng khởi, hân hoan sau lễ khai giảng trực tiếp tại trường. Năm nay là năm thứ 3 Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở bậc tiểu học với 3 khối 1, 2, 3. Vượt qua một năm học với nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường TH Trần Hưng Đạo xuất sắc nhận được Cờ thi đua của UBND TP. Từ thành quả của năm học đã qua, cô Lê Thanh Hương – Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự tự tin vào đổi mới, sáng tạo, năng động của đội ngũ giáo viên nhà trường trong năm học mới, dù năm học cũng đặt ra những thách thức lớn…
“Năm học 2022-2023, nhà trường thiếu 2 giáo viên mỹ thuật, 3 giáo viên tiếng Anh và 3 giáo viên dạy nhiều môn. Hiện tại, trường đã hợp đồng thỉnh giảng đủ giáo viên đứng lớp cho năm học mới. Năm thứ 3 triển khai chương trình mới, những khó khăn vướng mắc của thầy cô đều đã được giải đáp trong quá trình bồi dưỡng, tập huấn để “chắc tay” khi thực hiện chương trình. Năm nay, tiếng Anh và tin học cũng sẽ là 2 bộ môn bắt buộc được giảng dạy ở khối lớp 3. Điều này vừa là thách thức cho nhà trường nhưng đồng thời mở ra những cơ hội, đảm bảo quyền lợi cho học sinh trong quá trình rèn luyện trở thành công dân toàn cầu…”.
Tiên phong trong đổi mới giáo dục một cách thực chất
Năm học 2022-2023 đánh dấu năm học quan trọng trong thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành TW Đảng, trong đó việc triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học được xem là bước ngoặt, tạo nền móng vững chắc đổi mới giáo dục.
Với riêng TP.HCM, tại lễ tổng kết năm học 2021-2022 và đặt ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành giáo dục đào tạo TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh về yếu tố giáo dục trung thực trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đối với TP.HCM. Thậm chí, ông khẳng định, muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững và “thành phố dám chấp nhận đi về sau để giáo dục được thực chất nhất”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ rõ, đổi mới trước hết cần đổi mới về tư duy, phương pháp tiếp cận, dũng cảm thay đổi chính mình từ đội ngũ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo. Ngành giáo dục cần quan tâm một số vấn đề như đổi mới bắt đầu từ đâu, theo hướng nào để thực hiện một cách trung thực.
“Để thực hiện được các mục tiêu đó, cần bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo. Ngoài ra, ngành giáo dục cần xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng theo phương châm nói thật làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chủ động truyền thông đến từng gia đình, trường học, giúp phụ huynh học sinh nắm rõ thông tin về việc học của con em”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Năm học 2022-2023, trước những yêu cầu về đổi mới ngày càng lớn, TP.HCM đứng trước nhiều thách thức về áp lực sĩ số học sinh ngày càng gia tăng theo mật độ dân số tăng cơ học cao. Trung bình mỗi năm, thành phố tăng khoảng 20.000-30.000 học sinh, trong khi đó, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng kịp. Trong giai đoạn 2017-2022, thành phố xây mới thêm 288 trường, dù rất nỗ lực song vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng dân số tại thành phố, kéo theo đó là tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp, sĩ số học sinh/lớp còn cao, có nơi, có chỗ còn lên đến trên 60 học sinh/lớp.
Bên cạnh đó, thách thức của TP.HCM còn là tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các bộ môn đặc thù như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc – trở thành thách thức cho thành phố khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Thực trạng “chảy máu chất xám giáo viên” từ trường công sang trường tư do thu nhập còn hạn chế, đòi hỏi ngành giáo dục phải có những giải pháp mạnh tay, dứt khoát thậm chí là tiên phong để tăng thu nhập cho giáo viên, đảm bảo đời sống để công tác tuyển dụng được thuận lợi hơn, giúp giáo viên an tâm đứng lớp.
“Hiện nay, lương một giáo viên mới ra trường ở mức khoảng 3 triệu đồng. Tính thêm các phụ cấp ưu đãi đặc thù của riêng thành phố thì tổng thu nhập của một giáo viên mới ra trường tại TP.HCM khoảng hơn 5 triệu đồng. Còn thấp so với đời sống tại thành phố. Đảm bảo đời sống cho thầy cô an tâm công tác sẽ là bài toán tiếp tục được ngành giáo dục quan tâm sâu trong năm học 2022-2023. Sở GD-ĐT sẽ xây dựng đề án trình UBND TP về vấn đề này”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, trong lộ trình đổi mới, thành phố luôn quan tâm đến đổi mới một cách thực chất, giáo dục học sinh tính trung thực, trách nhiệm, sống biết sẻ chia, hoài bão, trở thành người công dân toàn cầu…
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)