Hai công ty công nghệ Mỹ đã ký thoả thuận “hợp tác trong kỷ nguyên điện toán mới”, ứng dụng công nghệ thực tế mở rộng dựa trên các vi xử lý Snapdragon.
Thực tế mở rộng bao gồm công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, với mục đích hợp nhất thế giới vật lý và kỹ thuật số. Hiện model Quest 2, thiết bị đeo thực tế ảo của Meta đã sử dụng vi xử lý Snapdragon do Qualcomm sản xuất.
Một cửa hàng bán thiết bị đeo thực tế ảo của Meta.
“Chúng tôi đang phối hợp với Qualcomm Technologies trên các chip thực tế ảo tuỳ chỉnh chạy trên Snapdragon XR, công nghệ và nền tảng dự kiến sẽ sử dụng trên các dòng sản phẩm Quest trong tương lai của công ty”, CEO Mark Zuckerberg cho biết.
Kể từ khi đổi thương hiệu vào năm 2021, Meta – công ty mẹ của Facebook, đã đặt cược tương lai vào khái niệm metaverse (vũ trụ ảo), thuật ngữ bao trùm công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, nhằm hiện thực hoá việc con người có thể làm việc và giải trí trong thế giới kỹ thuật số một cách xuyên suốt.
Trên lĩnh vực smartphone, các nhà sản xuất như Apple và Samsung cũng thiết kế bộ vi xử lý của riêng họ để tạo ra sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể là mục đích của Meta khi sản xuất chip tuỳ chỉnh.
“Không giống như điện thoại di động, việc xây dựng trải nghiệm thực tế ảo mang tới nhiều thách thức đa chiều đối với khả năng điện toán, chi phí, cũng như kiểu dáng thiết kế”, Zuckerberg cho hay. “Những chipset này sẽ giúp công ty tiếp tục thúc đẩy công nghệ thực tế ảo để mang lại trải nghiệm thú vị hơn”.
Thời hạn của thoả thuận cùng các điều khoản tài chính khác không được công bố chính thức. Động thái này diễn ra trong bối cảnh bộ phận Reality Labs của Meta đã có quý II kinh doanh thiết bị thực tế ảo không mấy thuận lợi. Công ty cũng có kế hoạch ra mắt một thiết bị đeo mới vào tháng 10 năm nay.
Ngô Vinh (theo vietnamnet)
Bình luận (0)