Năm học 2022-2023 bắt đầu với những thuận lợi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kế thừa những thành quả của năm học 2021-2022 song còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Lắng nghe những khát vọng bình dị của thầy cô trước thềm năm học mới.
Cô Đỗ Ngọc Chi và học trò
Giảm áp lực học đường
Một người vì mưu sinh mà thỏa hiệp với giáo dục thì khó lòng mà dạy hay. Xưa, ông Lê Quý Đôn có dạy “Lương sư hưng quốc” nghĩa là “Vô lương sư vong quốc”. Phương pháp dạy luôn gắn liền với phương pháp đánh giá, cả hai phương pháp này tuyệt đối gắn liền với chiều hướng phát triển lịch sử của một quốc gia và phải phù hợp với lịch sử phát triển ngành công nghệ của nhân loại.
Từ xưa, cái thuở nền công nghiệp thứ 3 ở Việt Nam ta việc dạy học chủ yếu là “sự ban phát” kiến thức từ thầy qua trò. Nên vai trò của người thầy ở một tầm cao trong xã hội “Quân – Sư – Phụ”. Ngày nay, nhân loại đã và đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thế giới phẳng, đa chiều. Tri thức nhân loại đã thành tài sản chung. Cả thầy và trò hôm nay rất sòng phẳng trong việc tiếp xúc sản phẩm trí tuệ. Nếu đem cân đo, đong đếm thì người lớn có phần “khiêm tốn” hơn về ngoại ngữ và công nghệ. Do đó người lớn bắt buộc phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức để chuyển từ sự ban phát kiến thức, từ “ông vua” của lớp học sang hợp tác và dân chủ, để tận dụng sức trẻ, tận dụng số đông làm cho các hoạt động trong một tiết học sinh động, hấp dẫn, cuốn hút cả đôi bên.
Ngày nay, việc dùng điểm số để “đe dọa” đối tác là “xưa rồi”, có quy luật nào một học sinh 8.0 IELTS lại bị điểm thấp môn tiếng Anh! Trong khi Bộ GD-ĐT thừa nhận điểm thi cấp quốc gia là 10 điểm dành cho những thí sinh có IELTS 4.0. Đạo lý nào quy định điểm môn văn không được 10, chính những quan điểm của thế kỷ 19, 20 đang ngự trị trong tâm trí của các thầy cô trẻ hôm nay, học sinh phải vẽ đúng con mèo mới cho điểm cao. Việc này vô hình trung “triệt tiêu” sự sáng tạo, khả năng tư duy của trường phái “tranh trừu tượng”, sâu xa là thiếu tôn trọng suy nghĩ của đối tác hay nói đúng hơn vẫn theo đường xưa lối cũ “bài mẫu”.
Cái hay của giáo dục ở chỗ, thầy cô phải có góc nhìn đúng hơi thở của thời đại. Tương tác thể hiện sự khách quan và tôn trọng, tự nhiên sẽ thấy học trò phát huy tính chủ động tích cực.
Đánh giá người học là một nghệ thuật, không phải theo cảm xúc vui, buồn. Nên có đường hướng nhất quán khi trò tương tác tốt thì ghi nhận và đánh giá, làm như vậy thì người học cảm thấy an vui và mạnh dạn để chia sẻ các ý tưởng. Khi tương tác đúng, ý tưởng hay thì khen và tặng điểm thưởng. Một khi tương tác chưa đúng thì nói những lời động viên hoặc nhờ bạn khác tiếp sức có thể làm cho người học không mắc cỡ, không ngại mà còn trân quý cách hành xử của thầy đó là giáo dục.
Tổ chức hoạt động giáo dục hết sức quan trọng vì nó giúp hình thành và phát triển kỹ năng cho học trò. Thầy cô phải có kế hoạch cụ thể cho từng tiết dạy, chẳng hạn như sơ đồ chỗ ngồi, chia nhóm, thuyết trình, phản biện, trình chiếu, hùng biện, hát, đóng kịch, game show… vui để học. Vấn đề trong một tiết dạy phần nội dung nào học trò chuẩn bị, phần nội dung nào được mang ra trước lớp để mổ xẻ, tất cả học sinh đều biết trước.
Kiểm tra đánh giá phải song hành với phương pháp dạy. Không thể dạy một đằng ra đề một nẻo. Thầy cô nói phải đi đôi với làm đó là trung thực, là nhân văn, là văn minh. Đừng bao giờ yêu cầu học sinh ôn trong sách giáo khoa rồi ra đề khác và khó làm vậy học sinh thiếu niềm tin vào thầy cô, giáo dục. Đừng bao giờ đề cao phương pháp của mình mà chê bai phương pháp khác, vấn đề đặt ra ở đây là mỗi người sử dụng một phương pháp để về đích. Có rất nhiều hình thức kiểm tra đánh giá, càng phong phú thì tạo nhiều cơ hội để học sinh có nhiều cột điểm. Chứ chỉ một lần kiểm tra đánh giá và ghi vào sổ điểm, nhập Vietschool thì những em bị điểm thấp mất cơ hội để cải tạo điểm số. Áp lực là đây!
Thầy Huỳnh Thanh Phú
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10)
Thầy Huỳnh Thanh Phú
Mong một năm học “trọn vẹn” với cả thầy trò
Điều tôi mong mỏi nhất là năm học 2022-2023 sẽ là một năm học trọn vẹn với thầy và trò trên cả nước. Luôn hy vọng dịch bệnh sẽ luôn trong tầm kiểm soát tốt để các em học sinh được đến trường học tập, vui chơi, rèn luyện một cách trọn vẹn nhất, tham gia các hoạt động đúng nghĩa, trường học thực sự là trường học…
Đặc biệt, tôi cũng hy vọng thầy cô sẽ có một môi trường đổi mới giáo dục thực chất nhất. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, sự kỳ vọng của phụ huynh và xã hội dành cho giáo dục, với thầy cô ngày càng lớn, áp lực đặt lên vai người thầy ngày càng cao. Như vậy, đổi mới giáo dục thì đi cùng với đó phải là những cơ chế đặc thù để thúc đẩy sự đổi mới, để người thầy có thêm động lực hơn…
Ngoài cơ chế chính sách, tôi luôn mong năm học mới sự đồng hành, chung tay của phụ huynh sẽ thêm thắt chặt hơn nữa với thầy cô, nhà trường. Thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành để cùng nhà trường, giáo viên tạo môi trường an toàn nhất cho các em học sinh, cùng chung tay để các em đến trường mỗi ngày đều là một ngày vui.
Tôi cũng kỳ vọng vào đội ngũ giáo viên mạnh dạn tiếp cận và bắt nhịp với cái mới, không ngại dấn thân và thay đổi những điều cũ kỹ, vì hạnh phúc của người học. Khi sự kỳ vọng của phụ huynh, xã hội ngày càng lớn thì thầy cô áp lực sẽ ngày càng nhiều, chưa kể áp lực trong đời sống vật chất. Như vậy, chắc chắn trong hành trình đổi mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nếu thầy cô, phụ huynh có sự đi cùng nhau, đồng hành, thấu hiểu trên tinh thần xây dựng thì ngàn cái khó cũng sẽ dễ dàng vượt qua.
Thầy cô là người bạn với học trò, là bạn với phụ huynh. Gia đình và nhà trường thực sự là đồng sự, cộng hưởng trách nhiệm, cùng thương yêu, chia sẻ gánh vác chứ không phải gia đình “khoán trắng” cho nhà trường và nhà trường thì chờ đợi trách nhiệm từ phụ huynh…
Cô Đỗ Ngọc Chi
(Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1)
Giang Quân
Bình luận (0)