Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Việt Nam có cần xây thêm một SVĐ hiện đại?: Bóng đá tiến lên, sân vận động đi lùi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc và vươn lên đứng đầu Đông Nam Á ở cấp độ các đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, trong khi các nước trong khu vực sở hữu những sân vận động sức chứa lớn, hiện đại và gây ấn tượng mạnh về tính thẩm mỹ, thì Việt Nam tụt lại khá xa trong cuộc đua này.
Với đại diện “tiên tiến” nhất là sân Mỹ Đình dù trong tình trạng hoàn hảo cũng hoàn toàn không thể so với sân cỏ các nước khác, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần xây thêm một sân vận động (SVĐ) mới với sức chứa lớn, hiện đại ngang tầm các nước có nền bóng đá phát triển?
Sân Mỹ Đình nơi tổ chức trận vòng loại World Cup thứ 3 giữa Việt Nam và Úc bị chê vì mặt sân quá xấu, mấp mô lồi lõm
Các sân V-League thay đổi mặt cỏ, dàn đèn
Hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam đã vận hành được đúng 2 thập niên nhưng khoảng 3 – 5 năm trước, vẫn còn nhiều SVĐ có chất lượng thấp, điển hình như sân Vinh, sân Lạch Tray, sân Thanh Hóa… Điểm chung của những sân này là chất lượng nền đất và mặt cỏ rất tệ nên mùa khô thì cứng, mùa mưa sình lầy như bãi ruộng.
Nhưng diện mạo các sân cỏ tại Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đặt ra các tiêu chí khá khắt khe về cơ sở vật chất, trong đó sân bãi phải đạt chuẩn. Nếu CLB nào không đáp ứng được yêu cầu, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ không đồng ý cấp phép, không cho thi đấu tại V-League. Sau sân Hòa Xuân (Đà Nẵng) được xây mới năm 2016, đến trước mùa 2018, Tập đoàn T&T và CLB Hà Nội bỏ gần 10 tỉ đồng cải tạo mặt cỏ sân Hàng Đẫy. Nhiều sân phục vụ V-League cũng được nâng cấp, làm mới với những mức độ khác nhau. Các sân Thiên Trường, Thanh Hóa, Vinh và đặc biệt là sân Lạch Tray, sân Quy Nhơn trở thành những điểm sáng về chất lượng mặt sân.
Từng được cải tạo 6 lần tính từ năm 1977 và lần gần nhất là năm 2021, sân Lạch Tray hiện có sức chứa 30.000 chỗ ngồi. Tổng số tiền nâng cấp sân Lạch Tray vào năm ngoái lên đến 60 tỉ đồng, trong đó TP.Hải Phòng chi 5 tỉ đồng, Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn chi 10 tỉ đồng… Với sức chứa 22.000 chỗ ngồi, sân Thiên Trường trở thành biểu tượng của Nam Định. Với tên gọi đầu tiên là sân Chùa Cuối, đến năm 2002, sân được xây dựng lại với tổng kinh phí do TP.Nam Định đầu tư vào khoảng 75 tỉ đồng, với sức chứa 22.000 chỗ ngồi. Sân Pleiku và sân Hà Tĩnh có sức chứa khiêm tốn nhất, chỉ có 10.000 chỗ ngồi. Được biết, số tiền cải tạo 2 sân này cách đây 2 năm có thể vào khoảng 10 tỉ đồng nhưng sân Pleiku do bầu Đức chi tiền, còn sân Hà Tĩnh tiến hành theo phương thức tỉnh góp kinh phí và có sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Tương tự, sân Vinh cũng được nhà tài trợ mới chi hàng chục tỉ đồng để nâng cấp mặt sân. Sân Thanh Hóa được bầu Đoan chi lớn, không chỉ cải tạo mặt sân mà còn xây thêm sân tập mới cho đội Thanh Hóa.
Có 11 trong số 13 sân nhà của các CLB V-League sử dụng cỏ Bermuda (loại cỏ dùng cho World Cup 2018), giúp tốc độ các trận đấu diễn ra nhanh hơn. Hai sân bóng duy nhất còn sử dụng loại cỏ lá gừng truyền thống là sân Bình Dương và sân Pleiku. Ngoài mặt cỏ và dàn đèn, các sân bóng V-League đều đã lắp một phần hoặc phần lớn khán đài bằng ghế nhựa nên nhìn khang trang, chỉn chu hơn. V-League 2022 có 13 CLB và theo đánh giá của VFF, mùa này cả 13 CLB đều có sân đáp ứng được yêu cầu về độ sáng (mỗi sân phải có hệ thống đèn chiếu sáng đạt trên 900 lux) nhưng chỉ có 8/13 sân thỏa mãn yêu cầu của AFC về độ sáng (phải đạt trên 1.200 lux). Tuy có sự cải thiện rất đáng kể nhưng một số sân vẫn cần thay đổi về chất lượng các phòng chức năng, khu vệ sinh, khu vực báo chí, thoát hiểm…
Nếu tính tuổi đời, sân Thống Nhất (TP.HCM) là một trong số những sân được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam với cái tên đầu tiên sân Renault – xây từ năm 1929. 30 năm sau, sân này được cải tạo và thêm một lần nâng cấp nữa vào năm 1967. Sau năm 1975, sân được đổi tên và trải qua nhiều đợt cải tạo nhưng đến nay Thống Nhất trở thành sân có cơ sở hạ tầng không được tốt, nhiều hạng mục đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, không xứng với tiềm năng của thành phố hơn 10 triệu dân. Tại Việt Nam cũng có những sân có quy mô khá hoành tráng như sân Cần Thơ (sức chứa còn lớn hơn sân Mỹ Đình) nhưng lại không được VFF và VPF xếp vào diện sân có thể tổ chức được các giải đấu, các trận đấu quốc tế vì chưa đáp ứng được yêu cầu ở nhiều hạng mục.
Sân Thống Nhất (TP.HCM) trong một trận cầu quá tải người xem
Nỗi buồn mang tên Mỹ Đình
Trong số các cụm công trình thể thao trọng điểm tại nước ta, nổi tiếng nhất là sân Mỹ Đình với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi, được xây dựng năm 2002 và được đưa vào sử dụng năm 2003 khi Việt Nam lần đầu đăng cai SEA Games. Chính phủ quy định khoản kinh phí đầu tư xây dựng sân Mỹ Đình vào khoảng 67 triệu USD và nhà thầu Trung Quốc (Hanoi International Group – HISG) đã đánh bại 2 đối thủ nặng ký (của Pháp và của Mỹ) khi bỏ giá thầu thấp nhất, chỉ 53 triệu USD nên được chọn là đơn vị thi công công trình. Tuy nhiên, gần 1 năm sau khi sân Mỹ Đình được sử dụng, cơ quan thanh tra đã kết luận nhà thầu Trung Quốc có nhiều sai phạm nghiêm trọng. So sánh với nhiều sân quốc gia khác của khu vực, sân Mỹ Đình bị đánh giá là có chất lượng thẩm mỹ thấp. Năng lực thi công của nhà thầu kém, dẫn đến việc nhà nước phải chi khá nhiều tiền để cải tạo, sửa chữa.
Mỹ Đình là SVĐ nổi tiếng vì đây là nơi tổ chức nhiều giải đấu bóng đá quan trọng tầm cỡ khu vực, châu Á; nhiều sự kiện thể thao lớn như SEA Games 22 năm 2003, SEA Games 31 năm 2022. Mỹ Đình còn “nổi tiếng” ở khía cạnh khác mà thời điểm này, ngành thể thao nói chung và Khu liên hợp thể thao quốc gia nói riêng đang phải gánh hậu quả nặng nề. Xin được nhắc lại, cơ quan thanh tra từng tiến hành thanh tra về năng lực nhà thầu Trung Quốc như vừa đề cập ở trên nhưng cũng không thể thay đổi được gì bởi sân Mỹ Đình đã xây xong. Công trình này lại đang vướng vào bê bối lớn do cách quản lý có dấu hiệu vi phạm pháp luật của lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia giai đoạn 2009 – 2018.
Sau 19 năm hoạt động, sân Mỹ Đình hiện không còn tiền để tu sửa do nợ thuế kéo dài. Nguồn tài chính cạn kiệt hoàn toàn nên nhiều hạng mục bị hỏng hóc thời gian dài, nhưng không được sửa chữa ngay vì phải trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Phòng ốc cũ kỹ, sân cỏ xuống cấp, hệ thống báo cháy bị hỏng, hệ thống điện tử lạc hậu, hệ thống đèn chiếu sáng không đạt chuẩn… Đáng lo hơn nữa khi vì nguồn ngân sách cũng có hạn nên việc cải tạo, nâng cấp không thể như ý muốn. Chuẩn bị cho việc tổ chức SEA Games 31, khu liên hợp được đầu tư để chỉnh trang lại một phần sân Mỹ Đình. Trong đó có một số hạng mục, việc cải tạo mang giải pháp tình thế nên dẫn đến sự thiếu đồng bộ. Mới đây, một lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho hay, mặt cỏ sân hiện khá tốt nhưng một vài hạng mục lại bị hỏng như hệ thống dẫn nước đang bị tắc, một số phòng chức năng lại tái tình trạng thấm nước hoặc bị dột. Đó là những vấn đề thuộc về yếu tố kỹ thuật, nhức nhối hơn nữa là sân Mỹ Đình hiện đang bị “đóng băng” không thể được cho thuê vì đang bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn do nợ xấu lên đến gần 855 tỉ đồng.
Sân Mỹ Đình trong mắt các đội bóng nước ngoài
Không thể không đau lòng khi đội UAE trước khi sang Việt Nam thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022 thời điểm năm 2019, lại chọn Bangkok (Thái Lan) làm nơi tập luyện, thay vì bay thẳng đến Hà Nội. Lãnh đạo đội bóng này thẳng thừng tuyên bố, hệ thống sân của Việt Nam kém chất lượng, dễ gây chấn thương, không đảm bảo được trọn vẹn các tính năng của một sân đạt chuẩn quốc tế. Đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022, sân Mỹ Đình một lần nữa bị “ném đá” tơi bời vì chất lượng mặt sân, vì sự xuống cấp của các phòng chức năng, sự tạm bợ của phòng đặt công nghệ VAR. Đầu tháng 9 năm ngoái, khi đội Úc đến Việt Nam thi đấu, báo chí nước này chê sân Mỹ Đình như bãi chăn bò, còn HLV trưởng ta thán mặt cỏ, nền đất cứng. Các cầu thủ Úc nhận xét mặt cỏ sân Mỹ Đình xấu, một số khu vực trên sân bị mấp mô hoặc bị lồi lõm. Đội Úc còn chê hệ thống sân tập phụ trợ của Mỹ Đình là kém chất lượng, đang tập thì cầu thủ còn phải nhảy lên để tránh… ếch, nhái. AFC cũng nhận định cơ sở vật chất tại sân Mỹ Đình có nhiều hạng mục bị hỏng hóc, gây mất thẩm mỹ và quan trọng hơn là tính năng sử dụng bị ảnh hưởng, không xứng đáng với tầm vóc của một trận đấu hướng đến World Cup.
 

TT (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)