Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá hàng hóa khó giảm vì đã thiết lập mặt bằng giá mới?

Tạp Chí Giáo Dục

Giá xăng đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Giá một số mặt hàng thiết yếu có giảm nhẹ, song giá cước vận tải, giá dịch vụ thiết yếu hầu như chưa có động tĩnh điều chỉnh giá.

Hàng hóa thiết yếu giảm dè dặt, cước vận tải vẫn neo cao

Ngày 13.9, đại diện Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay giá thịt heo so với tháng trước đã giảm khá nhiều. Cụ thể, giá heo hơi từ mức đỉnh 75.000 đồng/kg vào tháng 7 đã giảm liên tục về mức 65.000 đồng/kg và duy trì mức này hơn nửa tháng qua. Giá thịt heo giảm chủ yếu là do sức mua yếu; còn về giá thành, chi phí sản xuất vẫn phụ thuộc vào giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Nếu so với năm trước thì giá thịt heo không đổi nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp đã thu hẹp lại. Trên thị trường bán lẻ, giá thịt heo cũng đã giảm nhiều so với thời điểm 1 tháng trước, tại các chợ lẻ dao động từ 68.000 – 162.000 đồng/kg.

Giá hàng hóa khó giảm vì đã thiết lập mặt bằng giá mới? - ảnh 1

Giá hàng hóa khó giảm vì đã thiết lập mặt bằng giá mới? - ảnh 2

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như giá cước vận tải vẫn còn neo mức cao, cho dù giá xăng đã về mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Đ.N.T – NHẬT THỊNH

Giá trứng gia cầm vẫn đang đứng ở mức cao. Cụ thể, trứng gà 3.600 – 3.700 đồng/quả, trứng vịt 3.800 – 4.000 đồng/quả tùy loại. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: “Giá xăng dầu hiện đang giảm nhưng trong cơ cấu giá trứng chỉ chiếm khoảng 2%, chủ yếu phụ thuộc vào giá thức ăn chăn nuôi. Hiện nay người chăn nuôi gà đẻ trứng đang có dấu hiệu giảm đàn do rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Đối với công ty tham gia chương trình bình ổn giá như Vĩnh Thành Đạt, giá bán ra thấp hơn mặt bằng chung của thị trường, mặc dù không lo lắng về sức mua nhưng lợi nhuận thấp do chi phí sản xuất tăng, việc giữ được vùng sản xuất, liên kết bao tiêu cho nông dân cũng đang gặp khó khăn”.

Trong thực tế, quản lý giá nếu minh bạch là không quá khó, cái khó là chúng ta có chịu làm hay không.

Chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tăng nhẹ. Ngày 13.9, theo khảo sát của Thanh Niên, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.150 – 8.250 đồng/kg, tăng 200 – 300 đồng/kg so ngày trước đó; gạo thành phẩm IR 504 giữ ở mức 8.700 – 8.800 đồng/kg, tăng 200 – 300 đồng/kg. Tương tự, giá mặt hàng phụ phẩm cũng tăng nhẹ như tấm ở mức 8.350 – 8.450 đồng/kg, tăng 50 – 150 đồng/kg, trong khi đó giá cám khô giữ ổn định ở mức 7.600 – 7.700 đồng/kg. Tại chợ lẻ, các mặt hàng gạo thông dụng vẫn bình ổn. Loại gạo thường 11.500 – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo hương lài 19.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan, Nhật giá 20.000 đồng/kg… Đặc biệt, mặt hàng bột mì do phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên giá vẫn cao, chưa giảm. Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty bột mì Quốc tế (Intermix), chia sẻ: “Giá xăng dầu trong nước giảm nhưng giá lúa mì nguyên liệu nhập khẩu vẫn chưa giảm, thêm chi phí logistics vẫn còn cao, cước phí tàu biển phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên giá bán thành phẩm hiện nay gần như chưa có sự điều chỉnh, giá bột mì vẫn đang ở mức 13.000 đồng/kg”.

Trong khi đó, giá cước taxi tại TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (hãng taxi Vinasun), cho biết: “Giá cước taxi ảnh hưởng bởi giá xăng dầu nhưng hiện nay giá cước của Vinasun chưa điều chỉnh được bởi liên quan đến nhiều yếu tố khác. Thông thường khi giá xăng dầu tăng – giảm 10% thì chúng tôi điều chỉnh tương ứng, tuy nhiên mức giảm giá xăng hiện nay chưa đủ để công ty vận tải giảm giá. Theo tôi, mức giá hiện nay tương đối phù hợp so với cung – cầu thị trường”. Theo ghi nhận của Thanh Niên, giá cước dịch vụ của các hãng taxi công nghệ đều chưa có sự điều chỉnh, thậm chí vào các giờ cao điểm hoặc khi trời mưa, cước phí còn tăng 2 – 3 lần.

Giá cả luôn có tính “bảo thủ” cao?

Các chuyên gia kinh tế, thương mại cho rằng tính bảo thủ trong giá cả là rất khó thay đổi, đặc biệt khi đã được thiết lập mặt bằng giá mới từ trước tháng 6 năm nay. Tính bảo thủ trong giá dịch vụ như giá cắt tóc, bát phở… là hầu như “không có ý định giảm cho dù giá xăng đã giảm gần 30%”. Chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị TP.Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất trong 8 tháng qua là quá tốt cho thị trường những tháng cuối năm. Thế nhưng, tính bảo thủ trong giá cả rất khó thay đổi. Ví dụ dịch vụ cắt tóc đã tăng 10.000 đồng từ đầu năm, đến nay không giảm. Bát phở từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng, đến hôm nay sau khi giá xăng giảm 30% vẫn giữ nguyên giá bán 40.000 đồng. Ông Phú nói: “Trong thực tế, nhiều hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, phải giảm giá ngay lập tức khi giá xăng dầu giảm. Thế nhưng lý do các nhà bán lẻ đưa ra là do giá cước vận tải chưa giảm, hoặc giảm quá thấp khiến giá bán khó giảm, là điều hết sức vô lý. Trong thực tế, giá các mặt hàng nông sản như rau, thịt cá… trước đà giảm từ giá vốn, phải giảm mạnh lúc này. Giá các mặt hàng khô thường có độ trễ do giá nhập khẩu chưa giảm, nhưng các siêu thị lớn cần tính toán để giảm, bởi trong thực tế một số siêu thị lớn có tình trạng ép giá nhà sản xuất”.

Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Giảm 20% mức thu đối với 7/10 nội dung thu phí trong 2 khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Giảm 50% mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và 50% lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa. Dự kiến thời gian giảm phí, lệ phí các lĩnh vực trên là 3 tháng (bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 12.2022).

Bàn về giải pháp, ông Phú nói rằng chỉ có một giải pháp thực tiễn nhất là kê khai giá bán đầu vào cụ thể thế nào. Ví dụ, giá heo hơi người dân bán 60.000 đồng/kg, trong khi giá 1 kg sườn non trong siêu thị là 230.000 đồng, tại chợ dân sinh là 160.000 đồng. Tính thêm thuế giá trị gia tăng nếu mua hàng trong siêu thị thì mỗi ký sườn non bán ngoài chợ loại ngon vẫn thấp hơn trong siêu thị hơn 40.000 đồng. Ngoài ra, giá cả tăng do giá vận tải chưa giảm là có thật, bên cạnh đó nhiều mặt hàng rau quả đang vào mùa vụ giáp hạt, tăng giá… “Nếu thực hiện bắt buộc kê khai giá cả đầu vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu này, sẽ biết ngay khâu nào đang “ăn dày”. Trong thực tế, quản lý giá nếu minh bạch là không quá khó, cái khó là chúng ta có chịu làm hay không”, ông Phú nói.

Trước đó, tại buổi họp về điều hành giá cuối tháng 8, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đối với những mặt hàng, dịch vụ do nhà nước thực hiện, phải tính toán, định giá phù hợp để kiểm soát được lạm phát. Đối với những mặt hàng nhà nước không định giá, phải tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, niêm yết, kê khai giá; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm quy định pháp luật về giá. Nhắc lại chỉ đạo của Phó thủ tướng, ông Phú nói công tác kê khai giá là cần thiết và là một trong các công cụ giúp bình ổn, kéo giá cả hàng hóa về đúng giá trị thực của nó.

Theo Nguyên Nga – Quang Thuần/TNO

 

Bình luận (0)