Vòng sơ tuyển cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022 với hai cụm thi tại TP.HCM (9, 10, 12/9) và TP.Cần Thơ (17/9) vừa kết thúc, để lại không ít băn khoăn cho những người tâm huyết với nghệ thuật cải lương.
So với năm 2020, mùa giải năm nay hứa hẹn một sự cạnh tranh hấp dẫn, khi thu hút được nhiều cái tên nổi bật đăng ký dự thi. Cụ thể là: NSƯT Lê Trung Thảo, NSƯT Thu Vân, các nghệ sĩ Khánh Tuấn, Hà Như, Cao Thúy Vy, Hoàng Hải, các “chuông vàng” Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Phương Cẩm Ngọc, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên… Tuy nhiên, phần lớn những nghệ sĩ này từng đạt giải thưởng Trần Hữu Trang các năm trước, nên ở vòng sơ tuyển, khán giả lẫn các nhà chuyên môn được kỳ vọng sẽ phát hiện thêm được những gương mặt triển vọng mới. Đáng tiếc, các đêm thi vẫn chưa đáp ứng được như mong đợi.
Thí sinh Nguyễn Minh Trường dự thi vai Nguyễn Trãi, cũng là vai diễn mới và ấn tượng của anh trong vở cải lương lịch sử Đêm trước ngày hoàng đạo
Có thể thấy rõ sự chênh lệch về nghề giữa các thí sinh hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các thí sinh tự do. NSƯT Phượng Loan đánh giá cao sự tiến bộ rõ rệt của các thí sinh đã có điều kiện rèn giũa trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp: “Được hát nhiều, có cơ hội hợp tác, học hỏi từ các đàn anh đàn chị giàu kinh nghiệm, được sự hướng dẫn của những đạo diễn giỏi nghề, các bạn đều tiến bộ rất nhanh”.
Điển hình như các thí sinh có nền tảng từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ trước đây, gần như chủ yếu dựa vào lợi thế giọng ca, giờ đã có sự chuyển mình qua quá trình làm nghề chuyên nghiệp. Trước mùa giải, Phương Cẩm Ngọc đã có cơ hội tham gia các dự án được chú ý như Nàng Xê Đa, Đêm trước ngày hoàng đạo, Lan Lăng vương nhập trận khúc… Nhật Nguyên và Nguyễn Văn Khởi cũng tiến bộ nhiều qua các vở diễn trên sân khấu nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, như: Ngược gió, Nhân danh công lý, Lụy tình vương nữ…
Trở lại cuộc thi sau 8 năm, Nguyễn Minh Trường có bước tiến lớn trong nghề khi được đào luyện qua hàng loạt tác phẩm lớn, như: Trung thần, Chân mệnh, Thành phố buổi bình minh, Nàng Xê Đa, Đêm trước ngày hoàng đạo…
Cũng theo NSƯT Phượng Loan, một số thí sinh đã hiểu không đúng tính chất cuộc thi dẫn đến những phần trình diễn quá tầm. “Khác với Chuông vàng vọng cổ hay Bông lúa vàng, các bạn có thể đến để cọ xát học nghề. Ở đây là cuộc thi tài năng diễn viên, tức là các bạn đến để thi nghề, để khoe toàn bộ tài năng, năng lực của một nghệ sĩ cải lương. Có những thí sinh ngay cả việc hóa trang nhân vật đã không đạt, thì làm sao có thể làm chủ sân khấu và thu hút khán giả?” – NSƯT Phượng Loan chia sẻ.
Một điều đáng buồn nữa là sự sa sút về số lượng lẫn chất lượng của thí sinh khu vực miền Tây Nam Bộ. Những mùa giải trước, các thí sinh ở đồng bằng sông Cửu Long – cái nôi của cải lương – thường được đánh giá cao ở chất giọng mượt mà, diễn xuất mộc mạc, giàu cảm xúc, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thí sinh của TP.HCM. Năm nay, họ lại tỏ ra hụt hơi khi các tiết mục dự thi có phần chắp vá, thiếu đầu tư.
Thí sinh Phương Cẩm Ngọc (trái) tiến bộ vượt bậc qua quá trình rèn nghề từ nhiều vở diễn lớn.
Trong đêm sơ tuyển tại nhà hát Tây Đô (TP.Cần Thơ), nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc khi phần lớn thí sinh chọn trích đoạn dự thi “không đắt”, cũng như phần dàn dựng dàn trải, thiếu điểm nhấn cho nhân vật dự thi. “Có cảm tưởng, các bạn chỉ rút một lớp diễn nào đó trong một vở tuồng ra rồi đem lên thi chứ chưa biên tập dàn dựng lại cho có lớp lang để làm nổi bật thí sinh dự thi” – một khán giả chia sẻ.
NSND Giang Mạnh Hà nêu 4 yêu cầu đối với thí sinh cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022: ca trong vai diễn, trong hình tượng, tâm trạng nhân vật; kỹ thuật biểu diễn nhập vai tạo sự đồng cảm, cuốn hút khán giả; đài từ tròn vành rõ chữ, đĩnh đạc, biểu cảm; vũ đạo, tạo hình phù hợp và có mỹ cảm. Chẳng hạn tay không thì động tác phải uyển chuyển, còn sử dụng binh khí phải phục vụ diễn xuất, không để rơi rớt, hay đừng để đạo cụ cầm trong tay chỉ để trang trí. “4 yếu tố ấy là điều chúng tôi tìm kiếm ở các thí sinh, là nền tảng để người nghệ sĩ theo đuổi và hoàn thiện suốt quá trình làm nghề” – NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ. |
Bên cạnh đó, bản thân các thí sinh cũng thể hiện sự non nghề. Dù là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng không ít thí sinh yếu từ những điều cơ bản nhất, như xác định nhân thân, bối cảnh sống… của nhân vật mà mình diễn; hay phân tích tâm lý nhân vật để chọn cách thể hiện cảm xúc, biểu cảm thuyết phục người xem, và tạo điểm nhấn cho vai diễn dự thi…
Âu cũng là việc thiếu kinh nghiệm cọ xát sàn diễn, khi đời sống sân khấu cải lương miền Tây ngưng trệ nhiều năm qua, nhất là 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch. “Năm 2022 này, các đơn vị hầu như đều tập trung cho Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc sắp tới tại Long An. Vừa chạy nước rút cho hội diễn, vừa đầu tư cho cá nhân diễn viên dự giải Trần Hữu Trang thời điểm này là rất khó…” – một nghệ sĩ lý giải về sự thiếu vắng những đại diện chất lượng cho khu vực miền Tây Nam Bộ ở mùa giải Trần Hữu Trang năm nay.
Theo Ninh Lộc/PNO
Bình luận (0)