Sự kiện giáo dụcTin tức

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký qua đời

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều năm chiến đấu với bệnh suy thận, sáng 28-9 NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời tại nhà riêng ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), hưởng thọ 75 tuổi.


NGƯT Nguyễn Ngọc Ký miệt mài truyền lửa về nghị lực sống, tinh thần ham học, không đầu hàng trước số phận cho biết bao thế hệ học sinh Việt Nam

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông được biết đến là người thầy giáo nổi tiếng ở Việt Nam với nghị lực sống và tinh thần ham học phi thường khi đã dùng đôi bàn chân để viết, học, giảng dạy thay cho đôi bàn tay bị liệt từ nhỏ. Cuốn tự truyện Tôi đi học của ông xuất bản năm 1970 đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ giáo viên, học sinh, sinh viên Việt Nam về một tấm gương không đầu hàng trước số phận.

Năm lên 4 tuổi, sau cơn sốt bại liệt, tay của cậu bé Ký bỗng trở nên nặng trịch không đủ sức giơ lên, cậu không cầm được quả cam, hay chơi đánh đáo cùng bạn bè. Thấy bạn bè được đi học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ đưa đến lớp. Lúc đầu, cậu viết bằng miệng, nhưng không nản chí, cậu học viết bằng đôi chân của mình với nhiều khó khăn và nước mắt. Vượt qua những ngày tháng khổ luyện với nhiều nước mắt, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký không chỉ viết được chữ mà còn làm thủ công, cắt khâu thêu, tập bơi bằng chân.

Nỗ lực đó đã giúp cậu bé Nguyễn Ngọc Ký không chỉ được vào lớp 1 mà suốt những năm phổ thông, năm nào cậu cũng là học sinh giỏi. Từ năm 1962- 1963, cậu đạt giải B trong kì thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, được Bộ trưởng Giáo dục gửi giấy khen.

Từ năm 1966-1970, ông học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp, tốt nghiệp trở thành thầy giáo giảng dạy tại quê nhà. Thầy Nguyễn Ngọc Ký vinh dự 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu và 4 lần được gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1992 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NGƯT.

Năm 1993, ông chuyển công tác vào TP.HCM và gắn bó với ngành giáo dục thành phố. Năm 2005, thầy Nguyễn Ngọc Ký về hưu, vừa sáng tác văn học cho thiếu nhi, vừa làm tư vấn tâm lý giáo dục qua tổng đài 1088 của TP.HCM. Quãng thời gian từ khi về hưu và ngay cả khi nằm trên giường bệnh, những lúc khỏe, ông vẫn nhận lời đến các trường học để  trò chuyện với học sinh thành phố và cả nước về tinh thần ham học, vươn lên, không đầu hàng trước số phận, bồi đắp cho thế hệ trẻ lẽ sống nhiệt huyết, không ngừng học hỏi… Cuộc đời đẹp và nghị lực phi thường, hành trình khổ luyện viết bằng chân đầy cảm động của ông cũng đã được xuất hiện trong nhiều trang sách giáo khoa, gắn bó với biết bao thế hệ học sinh cả nước.

Yến Hoa

Bình luận (0)