Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Series âm nhạc trên YouTube: Món quen dễ ngán

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi một loạt các series âm nhạc trên YouTube “hạ màn”, nhiều nội dung tương tự khác xuất hiện. Giữa các chương trình mới và cũ có sự giống nhau nhất định về quy mô, cách thực hiện.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt 

Cuối năm 2016, ca sĩ Hà Anh Tuấn giới thiệu dự án See, Sing and Share trên YouTube. Chuỗi chương trình lập tức được chú ý bởi hình thức mới lạ. Khán giả thích nghe Hà Anh Tuấn nói chuyện về nội dung các sáng tác, và xem anh hát ở những không gian đẹp của Việt Nam. Sau dự án See, Sing and Share, các đêm nhạc live acoustic nở rộ, phong trào cover (hát lại) những ca khúc từng nổi tiếng cũng xuất hiện mạnh mẽ hơn. 

Ca sĩ Thái Trinh trở lại với dự án “cover” những ca khúc nổi tiếng

Ca sĩ Thái Trinh trở lại với dự án “cover” những ca khúc nổi tiếng

Đến nay, sau hơn sáu năm kể từ thời hoàng kim, các series âm nhạc có chủ đề, câu chuyện trên YouTube vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều ca sĩ liên tục giới thiệu các dự án âm nhạc có hình thức tương tự nhau. Chỉ riêng trong tháng Chín này, ca sĩ Hồ Trung Dũng đã giới thiệu The Songbook 3, Thái Trinh ra mắt Trinh Acoustic 03, Bạch Công Khanh trình làng Khanh’s show… Tất cả đều là các dự án cover, thể hiện lại những bản hit một thời, hoặc đang làm mưa, làm gió trên thị trường.

Nếu Bạch Công Khanh được xem là “tân binh” ở thể loại series âm nhạc phát hành trên YouTube, thì Hồ Trung Dũng và Thái Trinh là hai giọng ca quen thuộc. Trước The Songbook 3, Hồ Trung Dũng đã ra mắt hai mùa. Mùa 1, anh thể hiện những ca khúc trữ tình quen thuộc như Tình bơ vơ, Anh còn nợ em, Bài tình ca cho em… Mùa 2, nam ca sĩ hát những ca khúc gắn liền với câu chuyện cá nhân như Nhớ gấp ngàn lần hơn, Chưa bao giờ, Người yêu dấu ơi… Sang mùa 3, Hồ Trung Dũng chủ đích chọn những bản hit mới của thị trường, và vài nhạc phẩm mà khán giả riêng của anh yêu cầu.

Ca sĩ Thái Trinh với Trinh Acoustic 03 cũng không khác cách làm của nhiều giọng ca khác trên thị trường. Cô chọn quay hình ở không gian được bài trí xinh xắn với hoa và cây xanh. Ở mỗi tập tương ứng với mỗi ca khúc được thể hiện, Thái Trinh lại thay trang phục mới, say sưa đứng hát, và phía sau là ban nhạc chơi live. Trinh Acoustic 03 đã giới thiệu ba ca khúc gồm Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Mộng uyên ương hồ điệp, Nụ hồng mong manh.

Sự mới mẻ, độc đáo ở các series âm nhạc trên YouTube là điều mà khán giả luôn chờ đợi. Bởi hiện nay, có quá nhiều chương trình giống nhau. 

Khó bùng nổ 

Các tập mới ra mắt của ca sĩ Hồ Trung Dũng, Thái Trinh, Bạch Công Khanh có lượt xem không cao. Ba tập trong series Trinh Acoustic 03 chưa đạt tới con số 10.000 lượt xem, dù có ca khúc đã ra mắt cách đây hai tuần. Sản phẩm của Hồ Trung Dũng và Bạch Công Khanh cũng chỉ vài chục ngàn lượt xem, và con số này tăng khá chậm. 

Hồ Trung Dũng trong dự án âm nhạc The Songbook 3.

Hồ Trung Dũng trong dự án âm nhạc The Songbook 3.

Việc cùng thực hiện nhưng chênh lệch view đã từng tồn tại, và lý do vô cùng dễ hiểu. Còn nhớ thời điểm See, Sing and Share nổi đình, nổi đám, nhiều ca sĩ khác đổ xô chạy theo thực hiện và nhận về kết quả không như mong đợi. Ca sĩ Bùi Anh Tuấn với dự án Lang thang hát cùng Bùi Anh Tuấn đã sớm dừng lại. Dự án Lam Trường 9PM Live sau hai mùa tương đối thành công, chuẩn bị thực hiện mùa thứ ba, nhưng sự hưởng ứng từ khán giả chưa cao. Riêng với các chương trình được thực hiện bài bản từ các nhà sản xuất như Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, Hương mùa hè, live music show Cứ thở đi, Eye contact live… duy trì được độ hấp dẫn. Nhiều bài trở thành hiện tượng, có đời sống độc lập, tách khỏi chương trình chung.

Sự thành công từ các chương trình vừa kể trên đến từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó âm nhạc chiếm vai trò quan trọng, bên cạnh việc đầu tư hình ảnh, chọn bối cảnh quay, lên ý tưởng kết nối các tiết mục. Đơn cử như dự án Hương mùa hè, toàn bộ các tập đều hướng về câu chuyện mộng mơ, yêu đời của những người trẻ. Trong những năm tháng rực rỡ ấy, họ chơi đùa cùng nhau, hát vang những bài ca về tình yêu, tình bạn, tuổi trẻ. 

Với các chương trình âm nhạc cùng thực hiện theo một mô-típ chung, việc tìm kiếm những điểm riêng độc đáo, cách kể chuyện mới lạ là yếu tố sống còn. Nếu thể hiện lại các ca khúc nổi tiếng một thời mà không có bất kỳ sự kết nối nào về ý tưởng, chủ đề chung thì khó thể tạo ấn tượng. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng một số ca sĩ đang lười sáng tạo, chưa nỗ lực tìm ra cách thể hiện mới.

Ngoài các series âm nhạc đang ra mắt tập mới mỗi tuần, sắp tới, nhiều ca sĩ cho biết sẽ thực hiện dự án tương tự, nhưng sẽ nỗ lực tìm hướng thể hiện mới. Ca sĩ Ân Thiên Vỹ cho biết anh đang thực hiện series đưa nhạc boléro xuống phố. Ở mỗi tập, tại một góc phố quen nào đó của thành phố, nam ca sĩ sẽ cùng ban nhạc thể hiện lại một nhạc phẩm để vừa phục vụ vài khán giả tại chỗ, vừa quay clip lại để đăng YouTube. Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh cho biết vì làm sau nhiều ca sĩ, nên anh muốn tìm hướng đi khác. Khi thấy chưa có ca sĩ đưa boléro xuống phố, Ân Thiên Vỹ quyết định thực hiện để mang tới cho khán giả trải nghiệm âm nhạc mới hơn. Nam ca sĩ khá lo lắng vì không biết khán giả có đón nhận dự án của anh hay không, bởi trên YouTube bây giờ, có quá nhiều lựa chọn giải trí khác. 

Theo Diễm Mi/PNO

 

Bình luận (0)