Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi nào bạo lực học đường bị xử lý hành chính hoặc hình sự?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh có hành vi bạo lực nếu đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Vậy các cháu học sinh ức hiếp và đánh bạn có bị xử lý hành chính, hình sự hay chỉ bị xử lý kỷ luật? Trường hợp nào được xin chuyển lớp, chuyển trường?", 

Khi nào bạo lực học đường bị xử lý hành chính, hình sự? - Ảnh 1.

Nhóm học sinh đánh hội đồng bạn học bằng mũ bảo hiểm tại một trường học ở Vĩnh Long. CHỤP MÀN HÌNH

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Công ty luật TNHH MTV Dân Luật) tư vấn, bạo lực học đường thường được xử lý theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của vụ việc. Nhà trường cũng có thể kỷ luật học sinh gây ra bạo lực, nhưng nếu vụ việc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Theo khoản 2, điều 12 bộ luật Hình sự hiện hành: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Trong đó, "tội phạm rất nghiêm trọng" là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là từ trên 7 năm đến 15 năm tù.

Còn "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với hành vi bao lực học đường có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (điều 134 bộ luật Hình sự) hoặc tội làm nhục người khác (điều 155 bộ luật Hình sự).

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% – 30% hoặc dưới 11% (như dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên, dùng a xít sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác…), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (điều 134 bộ luật Hình sự).

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (điều 155 bộ luật Hình sự).

"Học sinh ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi, có hành vi như đánh bạn, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm bạn học… nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh có khung hình phạt tù không quá 3 năm. Vì đây là tội phạm ít nghiêm trọng", luật sư Ngọc Thanh lưu ý.

Dù chưa tới mức bị xử lý hình sự, tuy nhiên theo điều 22 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các em học sinh có hành vi như trên vẫn có thể xử phạt hành chính với hình thức cảnh cáo bằng văn bản.

"Đối với các em học sinh bị bạo lực học đường, việc xin chuyển lớp hoặc chuyển trường được coi là một giải pháp để đảm bảo an toàn cho các em, nếu phụ huynh và nhà trường xét thấy cần thiết", luật sư Ngọc Thanh chia sẻ.

Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho các em học sinh, đặc biệt là những học sinh có nguy cơ bị bạo lực hoặc có xu hướng bạo lực.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp các em học sinh có cơ hội giao lưu, tăng cường tình bạn, đồng thời giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, giải quyết vấn đề, trở nên tự tin hơn.

Đẩy mạnh việc quản lý, giám sát hành vi của học sinh trong trường, đồng thời có hệ thống giám sát camera tại các điểm nguy hiểm.

Theo Ngân Nga/TNO

 

Bình luận (0)