Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, có nhiều người giàu lên từ đất, nghèo đi cũng vì đất; mất tình đồng chí, tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa anh em, gia đình cũng vì đất; 70% khiếu kiện, khiếu nại cũng là do những vấn đề liên quan đến đất đai…
Nhà đầu cơ ôm đất đã đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng, tình trạng này sẽ được khắc phục khi sửa đổi Luật Đất đai
Luật hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập
Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà đạo luật này còn tác động sâu sắc tới việc thực thi các chính sách, các quy định trong rất nhiều đạo luật khác. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai (năm 2013) đã tạo hành lang pháp lý để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai; hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai, giao đất, cho thuê đất còn bất cập; vi phạm về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng phải xử lý hình sự; chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất; khiếu kiện về đất đai còn nhiều phức tạp… Theo đó sửa đổi Luật Đất đai (năm 2013) là hết sức cần thiết và cấp bách.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai phải kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt. Sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài và tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Mọi đề xuất, quy định đưa vào dự án luật phải đánh giá rất kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, nếu giải quyết tốt được các vấn đề của Luật Đất đai sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết được nguyên nhân căn bản dẫn đến những tình trạng phức tạp trong khiếu nại, tố cáo hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc sửa đổi luật lần này. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 2013 vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tập trung rà soát các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính. Cùng với đó cần quy định rõ hơn việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương
Đây là góp ý của nhiều đại biểu cho Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại buổi tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia – nhấn mạnh, đất đai là nguồn hữu hạn, nhưng việc sử dụng hiệu quả đang có những vấn đề lớn. Đó là tình trạng lãng phí đất hoang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang; xây “đô thị ma” không ai ở, chỉ có các nhà đầu cơ ôm đất. Việc đầu cơ này đã đẩy giá đất lên cao, tạo nên cái gọi là “giá đất thị trường” vượt sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp.
“Về vấn đề làm luật này, tôi thấy tỉnh Sơn La, Hà Nội hay TP.HCM làm sao giống nhau được. Vì vậy luật nên phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ quy định những vấn đề liên quan đến quốc gia. Mặt khác, cái nào thuộc về quan hệ dân sự thì không nên đưa vào luật mà trả về cho Bộ luật Dân sự. Theo tôi, Luật Đất đai còn rườm rà, những vấn đề gì thuộc chức năng của các bộ ngành thì không nên đưa vào luật. Đây là những vấn đề mang tính quan điểm cần xem xét chấn chỉnh. Cuối cùng, luật này muốn làm tốt cần phải đối chiếu với các luật khác, tránh chồng chéo mâu thuẫn, không thể cứ đầu nhiệm kỳ Quốc hội ra luật, cuối nhiệm kỳ Quốc hội lại sửa. Luật pháp phải mang tính ổn định…”, TS. Lịch nói.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – cũng cho biết, thực tế đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về vấn đề quyền sử dụng đất. Nhiều ý kiến phản ánh quỹ đất của người dân, doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng đất nhưng lại nằm trong quy hoạch công trình công cộng. Vậy làm thế nào để hài hòa lợi ích của người sử dụng đất trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế? Một vấn đề khác, cơ chế chính sách sử dụng đất cần rõ ràng và tính đến yếu tố hiệu quả, tiết kiệm nếu không sẽ không còn quỹ đất để phục vụ cho công trình công cộng, khu dân cư. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai lần này.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – chia sẻ, mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp là sự rõ ràng, minh bạch và hợp lý. Hiện tại có tình trạng doanh nghiệp không ổn định được kế hoạch sản xuất do phải trả tiền thuê đất hàng năm. Ngân hàng cũng không thể cho doanh nghiệp vay vốn nếu diện tích đất được giao cho doanh nghiệp theo hình thức trả tiền hàng năm. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính đất đai rất phức tạp, quá khó cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM – thông tin, về sửa đổi Luật Đất đai, TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề lớn liên quan đến đấu thầu; thu hồi đất đai phụ cận của các dự án công trình Nhà nước; thực hiện dự án đầu tư công để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng; cho tách dự án bồi thường tái định cư thành tiểu dự án hoặc dự án độc lập để rút ngắn thời gian đầu tư công trình…
Hòa Triều
Bình luận (0)