L.T.S: "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" là tác phẩm duy nhất được trao giải A trong Giải thưởng Sách Quốc gia lần V-2022. Báo Người Lao Động trân trọng giới thiệu bài viết của người dịch và chú giải Phan Đăng về cuốn sách đặc biệt này của Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định
Mặt khác, diện mạo đất nước lúc ấy đã hoàn toàn đổi khác, biên cương được mở rộng phía Bắc từ Tuyên – Lạng, phía Nam đến Hà Tiên, như Nguyễn Gia Cát rất đỗi tự hào trong Lời tựa của sách: "Tất cả 31 trấn – dinh – đạo lớn nhỏ đều theo về với thanh giáo, đất đai rộng rãi bao la đó, thực mà nói, từ xưa đến nay chưa bao giờ có được".
Cuốn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” do NXB Thế giới liên kết với Công ty CP sách Thái Hà phát hành. Ảnh: Thủy Thái Hà
Cuốn sách vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Nhìn vào hình thức bề thế, nội dung phong phú, nghiêm túc của bộ sách mới thấy hết sự quyết tâm với tầm nhận thức tư tưởng chiến lược, đúng đắn của vua Gia Long; trí tuệ và công phu của tác giả Lê Quang Định.
"Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" tuy được vua Gia Long và triều đình tổ chức biên soạn sớm nhất nhưng chưa từng được in. Sách đang ở dạng chép tay trên giấy khổ 27 x 19 cm, mỗi quyển đóng thành một tập, tổng cộng 10 quyển là 638 tờ, mỗi tờ 2 trang (a và b), trừ 11 tờ không có mặt b thì tổng cộng lên đến 1.268 trang chữ Hán.
Ngoài 3 bài Biểu, Tựa, Phàm lệ và phần Mục lục ở Quyển nhất viết theo cỡ chữ lớn, trong đó riêng bài tựa được chép cỡ chữ lớn nhất, còn lại 9 quyển đều được chép theo một quy cách thống nhất, tức gồm hai cỡ chữ: phần chính văn chép cỡ chữ lớn, vuông vắn 1cm, xen vào đó là phần chú giải với cỡ chữ bằng phân nửa cỡ chữ của phần chính văn.
Tất cả đều được chép với kiểu chữ chân phương, rõ ràng, đẹp, có thần thái. Sau bài Biểu dâng sách của tác giả, Tựa của Nguyễn Gia Cát và Phàm lệ, bộ sách được sắp xếp thành 3 phần chính. Phần 1 gồm Quyển I với phần Mục lục, tiếp theo có phụ chép hai phần: Lộ trình từ Kinh sư đến các dinh trấn và Thời gian đi đường giữa các dinh trấn. Phần 2 gồm Quyển II, III và IV, là phần Dịch lộ (Đường trạm), chép phần đường trạm, tức là đường chính từ kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Phần 3 gồm Quyển V, VI, VII, VIII, XIX và X, là phần Thực lục (Ghi chép) tức chép về đường bộ và đường thủy ở các dinh trấn, kể từ đường chính bắt đầu ở lỵ sở đi đến các nơi.
Mở đầu phần Thực lục về một dinh trấn, sách giới thiệu sơ lược về cương giới, phong tục, thổ sản và những nét đặc trưng của từng dinh trấn ấy khá tường tận. Đường đi từ kinh đô đến các dinh trấn, từ dinh trấn đến các nơi trong dinh trấn đó được kê cứu rất tỉ mỉ, đơn vị đo đạc thì dùng tầm là chính, có chỗ chi tiết đến cả đơn vị thước, tấc.
Đặc biệt, bộ sách này còn miêu tả khá đầy đủ về trạm điếm, hành cung, cầu cống, bến đò, sông rạch, khe suối, chợ búa, đền miếu, thành quách, di tích, nhân vật, cửa biển, núi đồi, biên ải…. Thậm chí, bộ sách còn lưu ý tình trạng của từng nơi, như chỗ hiểm chỗ dễ, chỗ có thú dữ, chỗ có trộm cắp, chỗ có thể nghỉ chân, chỗ có thể nghỉ lại, chỗ có những món ăn đặc sản, nước lên xuống sâu cạn của từng sông suối, đường nào nên đi và đi vào lúc nào… Ngoài ra, sách cũng chép đến những giai thoại, truyền thuyết, thần tích, ca dao, thơ văn gắn với từng vùng từng nơi, từng sự kiện nổi bật một cách rất đầy đủ và sinh động.
Như đã nói, "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Phương pháp và lối trình bày trong bộ sách vẫn theo quy cách của môn địa lý cổ, so với ngày nay tất vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ sách vẫn còn mang nét sơ lược, chưa được sắp xếp một cách khoa học để dễ tra cứu, trình bày một vài chỗ còn tùy tiện theo cảm hứng, ngay giữa phần Mục lục (Quyển thủ) và thực tế trong các phần tiếp sau đó cũng có chỗ không khớp nhau.
Điều đó cũng dễ hiểu, vì chỉ trong một thời gian ngắn, với bao công việc khi mới bắt tay vào xây dựng triều đại, để thực hiện một bộ sách địa chí có quy mô như "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" ắt phải cần nhiều công phu, thời gian, điều kiện và phương tiện thật tốt. Ở đây, như trong bài tựa, tác giả đã cho biết các trấn quan tổ chức ghi chép phần của địa phương mình. Người biên soạn chỉ làm công việc "chỉnh lý", tức là tổng hợp tư liệu, sửa chữa bổ sung, sắp xếp và trình bày lại thành sách.
Nhưng thực tình, "chỉnh lý", sắp xếp một khối lượng tư liệu về mọi miền của đất nước trong điều kiện như vậy để thành một bộ sách với quy mô như "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" cũng đủ thấy được công phu, tài năng, trí tuệ và tình cảm của tác giả "tập đại thành".
Sự ra đời của "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX. Mặt khác, kế thừa những công trình địa chí có từ trước, bộ sách này tiếp tục làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.
Ưu điểm nổi bật của "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" chính là việc mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời tường giải rất cụ thể về mặt mạnh mặt yếu, chỗ hiểm, chỗ thuận lợi của từng địa phương. Đọc bộ sách này, ta không những có thể hình dung một cách khá toàn diện về hình thể đất nước Việt Nam lúc bấy giờ mà người đi đường, người đang làm công vụ, quan lại địa phương đương thời còn hiểu rõ hơn từng vùng đất, từng nơi mà cứ tưởng là quá xa xôi khó biết đến được.
Chính vì vậy mà "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" đã được triều Nguyễn đánh giá rất cao, đồng thời đã trở thành công cụ tra cứu chủ yếu cho các công trình địa chí tiếp theo, như "Đại Nam nhất thống chí" – bộ địa chí lớn nhất của triều Nguyễn là một thí dụ.
Lê Quang Định (1759 – 1813), tự Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai và Chỉ Sơn, quê chính ở làng Tiên Nộn, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lê Quang là một họ lớn ở làng này. Hiện nay, dấu tích của Lê Quang Định còn lại ở nguyên quán là quả chuông đồng do ông dâng cúng chùa Tiên Phước – ngôi cổ tự của làng Tiên Nộn, tọa lạc trên sở đất rộng chừng 1 mẫu ta, hai bên có hai miếu thờ Bổn thổ thành hoàng và Tiền khai khẩn của làng. Chuông này được Lê Quang Định cho đúc và dâng cúng vào năm 1809, khi ông đang giữ chức Thượng thư Bộ Binh thời Gia Long. |
Bình luận (0)