Nhiều vấn đề trong một số luật đã quá lạc hậu cần sửa đổi cho phù hợp nhằm đáp ứng hoạt động của các cơ sở y tế và công tác khám chữa bệnh cho người dân được tốt hơn… Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nêu vấn đề này tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Sở Y tế cùng 25 bệnh viện (BV) trên địa bàn TP về việc thực hiện cơ chế tự chủ, đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các BV công lập; góp ý dự thảo Luật Đấu thầu và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân đang thực hiện phẫu thuật niệu đạo cho người bệnh. Ảnh: Hòa Triều
Các bệnh viện khan hiếm điều dưỡng
Bà Hà Thị Hồng Linh – Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền – cho biết, BV đang gặp khó khăn về nhân lực điều dưỡng. Điều dưỡng đa khoa khi về BV phải tham gia đào tạo lại y học cổ truyền để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, BV muốn tuyển dụng được các y sĩ cổ truyền thì trước đó họ phải học lên cử nhân chuyển đổi qua điều dưỡng mới được. Mặt khác, trợ lý điều dưỡng cũng đang rất thiếu, có những công việc thuộc trợ lý nhưng không biết giao cho ai.
Điều dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng, hỗ trợ bác sĩ chăm sóc bệnh nhân. Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên, qua khảo sát của Sở Y tế TP, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các BV công lập là 1,86 và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Trước tình trạng này, Sở Y tế lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh.
Nguyên nhân thiếu do tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế, nhất là sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng và chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập giữ chân được người có tay nghề. Đồng thời, do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Lê Văn Thịnh – cho biết, theo yêu cầu đến năm 2025, tất cả điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng trở lên. Trong khi, nhu cầu điều dưỡng trình độ cao đẳng vừa làm quản lý, vừa làm điều dưỡng trưởng có khâu chỉ chiếm 30-40%, còn lại chủ yếu làm khối chăm sóc mà không cần đến trình độ này.
Để khắc phục, ông Khanh kiến nghị: “Các BV tuyến Trung ương, BV hạng 1 với điều kiện cao thì tỷ lệ điều dưỡng trình độ cao đẳng trở lên có thể nhiều. Đối với các BV quận, huyện thì tỷ lệ khoảng 40-50%. Đồng thời nên giao cho các BV hạng 2 trở lên có mã đào tạo tổ chức đào tạo hộ lý, điều dưỡng sơ cấp phục vụ cho chính BV đó. Còn điều dưỡng trình độ từ trung cấp trở lên giao cho các trường cao đẳng, đại học thực hiện”.
Theo Sở Y tế TP, trong 6 tháng đầu năm 2022, các BV trên địa bàn TP đã tăng cường tuyển dụng 1.307 viên chức, trong đó 613 bác sĩ; 459 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và chức danh khác 235 người. Tuy nhiên, do nghỉ nhiều nên số lượng người làm việc tại các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 318 người so với năm 2021.
Cần tính đúng, tính đủ viện phí
Tại buổi làm việc, đại diện các BV cũng bày tỏ những bất cập, khó khăn hiện nay trong đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế và xã hội hóa y tế.
Trong công tác đấu thầu, các BV gặp nhiều khó khăn vì đội giá sau dịch, đặc biệt mất nhiều thời gian cho việc này, thậm chí cả những vật dụng hành chính, quản trị cũng phải đấu thầu.
Ông Khanh chia sẻ, mỗi đợt đấu thầu thuốc mất từ 4-6 tháng, rất tốn thời gian. Theo đó nên xem xét 2 năm tổ chức đấu thầu một lần vì khoảng thời gian này sự chênh lệch, thay đổi về giá không nhiều, chỉ trừ trường hợp xảy ra dịch bệnh.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc BV Hùng Vương – đề xuất nên chăng bỏ phương án đấu thầu. Bởi ngay từ đầu vào chúng ta đã quản lý tốt giá cả và khắp cả nước đều mua với giá đó thì tại sao phải đấu thầu? Các nước châu Âu cũng đã bỏ việc này thì tại sao chúng ta vẫn làm?
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho biết, đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị để có báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ và kiến nghị đến các cơ quan Trung ương. Vấn đề nào thuộc TP đoàn sẽ có kiến nghị với TP để hoàn thành dự án luật, đáp ứng công tác khám chữa bệnh cho người dân được tốt hơn. |
Cũng theo bà Tuyết, đội ngũ được đào tạo làm bác sĩ không được đào tạo về mặt kinh tế để tham gia đấu thầu dễ dẫn đến sai sót. Như thời gian qua đã có những sai sót trong đấu thầu khiến mất đi những người tài trong lĩnh vực y tế, rất lãng phí. Chưa kể, hiện nay nhiều cơ sở thẩm định giá đóng cửa khiến các cơ sở y tế tìm được một cơ quan thẩm định rất khó. Nếu có thì một số cơ quan chưa đạt được mức độ tin cậy do tính khách quan, lúc này lại đổ lỗi cho cơ sở y tế.
“Thay vì tập trung đấu thầu thì để các bác sĩ tập trung vào công tác chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân sẽ phù hợp hơn”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Về công tác xã hội hóa y tế, bà Tuyết mong muốn đẩy mạnh việc này để người dân dễ dàng tiếp cận được các kỹ thuật y khoa tiên tiến khi mà cơ sở y tế công lập chưa đủ nguồn lực đầu tư trang thiết bị. Song cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn trong chủ trương xã hội hóa.
“Đơn cử hiện nay chưa quy định cụ thể tỷ lệ % người đầu tư là bao nhiêu, BV bao nhiêu. Việc đưa ra hướng dẫn cụ thể sẽ tạo hành lang pháp lý cho các BV để tránh xảy ra trường hợp mỗi BV ký hợp tác với tỷ lệ % khác nhau, đến khi kiểm toán, thanh tra lại vướng vào pháp lý”, bà Tuyết nói.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế – cho biết, ngành y tế rất ủng hộ chủ trương, chính sách xã hội hóa và xem đây là vũ khí hỗ trợ thêm cho ngân sách kinh tế công lập cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người bệnh ngày càng cao. Để xã hội hóa bền vững, công bằng, công khai với người bệnh, vấn đề cốt lõi vẫn là giá thu/người bệnh/dịch vụ y tế. Nên có quy định không phân biệt người bệnh của xã hội hóa và người bệnh công lập trong cùng một cơ sở y tế. Và để đạt được thì tính đúng, tính đủ viện phí là cần thiết.
“Ngành y tế rất ủng hộ chủ trương này nhưng với điều kiện khung giá cơ bản phải như nhau. Giá khám chữa bệnh đáp ứng cơ bản sẽ giải quyết được mâu thuẫn giá xã hội hóa và giá không xã hội hóa. Giá khám chữa bệnh, phẫu thuật, cung ứng thuốc giữa loại hình công lập và xã hội hóa tương đồng thì phát triển xã hội hóa sẽ bền vững và phục vụ nhu cầu của người dân sẽ cao hơn”, ông Dũng nói.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)