Từ ngày 6 đến 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần thứ 4 – Quốc hội khóa XV. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã có nhiều ý kiến đóng góp cho những vấn đề nóng như phòng chống tham nhũng, cải cách tiền lương, giáo dục, y tế…
Cụ thể, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Phú Nhuận, đại diện Tổ ĐBQH khóa XV TP.HCM đơn vị số 7, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – đã trình bày báo cáo dự kiến nội dung trước Kỳ họp thứ 4. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…
Tại hội nghị, các cử tri bày tỏ ý kiến về việc cần cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng; phải đảm bảo thu nhập để công chức, viên chức không nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Các cử tri cũng mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi; qua đó kịp thời điều chỉnh những bất cập để người dân được khám chữa bệnh nhanh, giảm bớt thủ tục, có đủ thuốc, trang thiết bị khám chữa bệnh…
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và Bình Thạnh (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến) của Tổ ĐBQH – Đơn vị số 2; đại diện cho tổ, ĐBQH hội khóa XV, Bí thư Quận ủy quận 1 Tô Thị Bích Châu ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn về dự án luật của các cử tri, trân trọng tiếp thu và tổng hợp đầy đủ những ý kiến, nguyện vọng của các cử tri, tiếp tục gửi lên Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét và giải quyết.
Theo đó, các cử tri quận 1, 3 và Bình Thạnh đã có nhiều ý kiến đóng góp cho các vấn đề quan trọng. Trong đó về vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri cho rằng, mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định về kê khai tài sản; Nghị định 130/2020 của Chính phủ, Quy định 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tuy nhiên việc kê khai tài sản để góp phần phòng chống tham nhũng trong cán bộ công chức dường như chỉ có hình thức. Do đó, các cử tri đề nghị Quốc hội phải luật hóa hoặc có văn bản quy phạm pháp luật về giám sát tài sản thu nhập để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở, trong phần sửa đổi mới ở Mục 4 Chương II về Thời hạn sở hữu nhà chung cư, cử tri đề nghị Quốc hội nên quy định là có cả căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ sở hữu có thời hạn để người dân lựa chọn; Dự thảo Luật Đất đai khi thu hồi đất làm dự án thương mại, nên để hai bên thương lượng, thỏa thuận, không nên quy định bao nhiêu phần trăm đồng ý theo kiểu đa số thì cưỡng chế… Qua đó các cử tri cũng mong Quốc hội giám sát việc sử dụng nhà thuộc diện công sản tại TP.HCM của một số bộ, ngành Trung ương…
Đặc biệt, nhiều cử tri mong Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM; đồng thời có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ công chức, tăng thêm biên chế cán bộ, công chức cho cấp phường.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị đưa văn hóa giao thông vào học đường, nên xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ…
Nhóm PV
Bình luận (0)