Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định trong thời gian tới, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm 2022 nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
Đợt 1 kỳ tuyển sinh năm 2022, thông qua hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, lần đầu tiên thí sinh chỉ trúng tuyển vào duy nhất một ngành, một trường bởi một phương thức mặc dù các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng cũng như được tham gia xét tuyển nhiều phương thức vào các trường. Điều này khác với mọi năm, khi thí sinh đăng ký nhiều ngành vào nhiều trường bằng nhiều phương thức xét tuyển thì cũng tương ứng với đó, các em có cơ hội trúng tuyển nhiều ngành hoặc nhiều trường. Với cách thức của năm nay, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đã hạn chế được việc thí sinh trúng tuyển cùng lúc nhiều ngành tại nhiều trường nhưng cuối cùng chỉ nhập học có 1, gây mất cơ hội của những thí sinh khác.
Đánh giá hiệu quả từng phương thức để lựa chọn
Đợt 1 kỳ xét tuyển ĐH năm 2022 vừa khép lại, cũng là đợt xét tuyển chính và lớn nhất, cả nước có gần 82% thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Con số này được đánh giá là khả quan hơn so với cùng đợt 1 những năm trước. Cùng với đó, tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm mạnh. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tiến hành lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển mà các trường sử dụng, trong đó có cả những phương thức tuyển sinh riêng. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đầu vào được các trường ĐH sử dụng. Song, thực tế các phương thức chủ yếu tập trung là: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, tuyển thẳng, xét kết quả thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia… Theo Bộ GD-ĐT, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành; phân bổ số lượng chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Đơn cử như năm 2021, một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm vẫn không trúng tuyển. Để công tác tuyển sinh năm 2022 đảm bảo hiệu quả, công bằng, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH khai báo thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh giúp thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các trường phải công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh theo đúng quy chế; đồng thời xác định, giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo và xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như chịu trách nhiệm giải trình với các bên liên quan.
Chuẩn bị sớm các điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023 Trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV lĩnh vực GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết phương hướng sắp tới sẽ chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng nhằm xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có). Bên cạnh đó, hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phù hợp lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh; có độ tin cậy, sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông. Đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, người đứng đầu ngành giáo dục cả nước cho biết kỳ thi đã được tổ chức đảm bảo công bằng, nghiêm túc, an toàn với gần 99% thí sinh dự thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 những năm học trước không đưa vào kỳ thi năm nay. Đề thi có sự phân hóa phù hợp, phổ điểm từng môn thi và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích chi tiết và thông tin công khai. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở các khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi. Thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phúc khảo bài thi tại 10 sở GD-ĐT, hiện đang hoàn thiện dự thảo thông báo kết quả kiểm tra. Việt Ngân |
Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho biết trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá, tổng kết những mặt được – chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện những phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn cũng như khó khăn có thể gây ra cho thí sinh. Theo Vụ trưởng, Điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục ĐH quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh từ đó lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định. Tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm
Hiện Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 đảm bảo hiệu quả, an toàn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH, bảo đảm khách quan, công bằng, phát hiện xử lý những trường hợp sai phạm nếu có. Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022, công nghệ thông tin đã được ứng dụng, triển khai đồng bộ, triệt để trong tuyển sinh. Việc đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn; được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất… Các trường ĐH được bảo đảm cạnh tranh và buộc phải cạnh tranh một cách bình đẳng, minh bạch. Công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát với chỉ tiêu hơn.
Bộ GD-ĐT cũng có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống để có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.
Thục Trân
Bình luận (0)