Hội nhậpThế giới 24h

Kinh tế thế giới phập phồng vì Trung Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Cả thế giới đang chờ đợi quyết định của Israel về việc sẽ đáp trả thế nào với cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran

Giá dầu được giao dịch quanh ngưỡng 90 USD/thùng hôm 16-4 trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông gia tăng, sau khi Iran lần đầu tiên tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel đêm 13-4, bằng cách phóng đi hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) từ chính lãnh thổ của mình.

Biến động không ngừng

Một số nhà phân tích tại khu vực hoài nghi khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có nhằm bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.

Theo Reuters, tác động tiềm năng lên giá xăng là lý do khiến chính quyền ông Biden sẽ không có bước đi mạnh mẽ nói trên, đặc biệt là trong năm bầu cử tổng thống. Bà Kimberly Donovan, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), chỉ ra các lệnh trừng phạt liên quan đến dầu mỏ thực ra đã không được thực thi nghiêm ngặt trong vài năm qua.

Thêm vào đó, hãng theo dõi các tàu chở dầu Vortexa Analytics (Anh) ước tính Trung Quốc đã mua kỷ lục 55,6 triệu tấn dầu, tương đương 1,11 triệu thùng dầu/ngày từ Iran hồi năm ngoái. Con số này tương đương khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran và chiếm 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. 

Một nguồn thạo tin nhận định nếu Mỹ quyết theo đuổi lệnh cấm xuất khẩu dầu của Iran, điều này đồng nghĩa việc đối đầu với Trung Quốc.

Kinh tế thế giới phập phồng vì Trung Đông- Ảnh 1.

Hình ảnh trên đường phố thủ đô Tehran – Iran hôm 15-4. Ảnh: Reuters

Cũng biến động liên tục trong những ngày qua là giá vàng. Hôm 16-4, giá vàng xoay quanh ngưỡng 2.369 USD/ounce, tức tiến gần mức cao kỷ lục thời gian gần đây. Chuyên gia Aakash Doshi tại Công ty Nghiên cứu Citi Research dự báo vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6-18 tháng tới. 

Trong khi đó, ông Bartosz Sawicki, nhà phân tích thị trường tại Công ty Dịch vụ tài chính Conotoxia, dự báo nếu Israel trả đũa mạnh mẽ thì xung đột sẽ lan rộng hơn, châm ngòi làn sóng thu gom vàng mới, đồng thời đẩy giá dầu và chỉ số đồng USD đi lên.

Không dừng lại ở đó, ông Christian Roeloffs, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Container xChange (Đức), cảnh báo tình hình Trung Đông khiến thị trường vận tải biển thêm bất ổn. 

Sau eo biển Bab-al-Mandab và biển Đỏ, eo biển Hormuz hiện trở thành tâm điểm mới. Những diễn biến tại eo biển Hormuz sẽ tác động mạnh đến Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đặc biệt là Jebel Ali, trung tâm trung chuyển chính trong khu vực.

Theo ông Roeloffs, giá cước vận tải biển có thể còn tăng nữa, qua đó góp phần kéo dài cuộc chiến chống lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9 thay vì tháng 6 và chỉ còn 2 đợt giảm lãi suất thay vì 3 đợt. 

Nếu FED và ngân hàng trung ương các nước khác tập trung trở lại vào nhiệm vụ chống lạm phát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục u ám.

Căng thẳng treo lơ lửng

Lúc này, cả người dân Israel lẫn thế giới đều đang chờ đợi quyết định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc sẽ đáp trả thế nào với cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran.

Đáp lại những tuyên bố từ phía Israel, trong cuộc gặp ngày 16-4 với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh "bất cứ hành động dù là nhỏ nhất nào đi ngược lại lợi ích của Iran đều sẽ gặp phải sự đáp trả nghiêm trọng, rộng khắp và đau đớn".

Kênh Al Jazeera (Qatar) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani nói thêm nước ông sẽ không chờ tới 12 ngày mới đáp trả như vừa rồi; nếu Israel tấn công thêm lần nữa, Iran sẽ trả đũa "trong vòng vài giây". 

Nguyên nhân Iran tấn công Israel đêm 13-4 là để phản ứng lại cuộc không kích vào cơ quan lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus – Syria hôm 1-4 mà Iran quy trách nhiệm cho Israel. Chuẩn tướng Abolfazl Shekarchi, người phát ngôn quân đội Iran, đồng thời cảnh báo Mỹ, Anh, Pháp và Đức ngừng hỗ trợ Israel.

Nhờ sự tiếp sức của các đồng minh, Israel đã đánh chặn hầu hết số tên lửa và UAV của Iran đêm 13-4. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định vẫn ủng hộ Israel song nói rõ Mỹ ưu tiên ngăn chặn xung đột lan rộng. Nhà Trắng cũng tuyên bố không tham gia cùng Israel đáp trả Iran. Hàng loạt quốc gia khác liên tiếp kêu gọi Israel và Iran kiềm chế.

Nhiều quan chức Mỹ tiết lộ đến nay Israel vẫn chưa thông báo với Washington ý định của mình. Ngay trong giới chức Mỹ vẫn có nhiều phỏng đoán khác nhau về cách đáp trả của Israel.

Một số nguồn tin của kênh NBC News nói có thể Israel sẽ trả đũa "hạn chế" vì cuộc tấn công của Iran không gây hậu quả nghiêm trọng về thương vong và thiệt hại. Do đó, Israel có thể chỉ tấn công bên ngoài Iran, nhiều khả năng nhắm vào các mục tiêu quân sự liên quan đến Iran ở Syria.

Ngược lại, nguồn tin giới chức Mỹ của kênh Al Jazeera (Qatar) lại cho rằng Israel có thể nhắm vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Iran, mục đích có thể không nhằm leo thang căng thẳng mà chỉ muốn chứng tỏ năng lực quân sự.

Theo Xuân Mai – Hải Ngọc/NLĐO

 

 

Bình luận (0)