Thực tế cho thấy, nơi có điều kiện thuận lợi thì khả năng và mức vận động cao hơn, còn ở vùng khó khăn thì hầu như không thể vận động xã hội hóa. Nhiều chuyên gia giáo dục phản ánh nghịch lý trong vận động xã hội hóa giáo dục đã tồn tại nhiều năm qua. Đó là ở các trường vùng thuận lợi, cơ sở vật chất đã hoàn thiện, khang trang thì mức xã hội hóa càng cao và liên tục vận động phụ huynh đóng góp hàng năm. Trong khi các trường ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất rất khó khăn, thiếu thốn lại hầu như không thể vận động xã hội hóa do điều kiện phụ huynh đa số khó khăn, vất vả. Thậm chí ở nhiều trường, thầy cô còn chung tay đóng góp mua sách vở, áo quần, nấu cơm cho học sinh khó khăn; tặng cho học sinh những món quà nhỏ để động viên, khuyến khích các em đến trường học tập. “Với thực trạng nơi thuận lợi càng xã hội hóa nhiều và nơi khó khăn không vận động tài trợ được sẽ dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền”, một chuyên gia giáo dục ở Hà Tĩnh cho biết như thế. Mặt khác, việc vùng thuận lợi càng vận động nhiều cho thấy có hiện tượng lạm thu, lợi dụng sự dễ dãi, nể nang của phụ huynh để thu các khoản trái quy định. Ví dụ, có nơi vận động để mua tủ đựng tài liệu cho giáo viên, mua máy tính xách tay cho nhà trường… Kể cả việc vận động mua bàn ghế, bảng cũng không đúng quy định, bởi vì đây là những phương tiện dạy học thiết yếu mà nhà trường phải có trách nhiệm mua sắm, chuẩn bị.
Thực tế năm nào cũng có hiện tượng lạm thu diễn ra vào đầu năm học, và đều diễn ra ở những trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi. Tất cả các khoản vận động xã hội hóa đều phải thông qua địa phương, cơ quan quản lý giáo dục. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm giám sát, chỉ đạo của địa phương và cơ quan quản lý giáo dục. Theo tôi, cần xử lý nghiêm hiệu trưởng có hành vi chỉ đạo lạm thu.
Trần Quang Đại (Nghệ An)
Bình luận (0)