Vướng mắc lớn nhất của các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch tại TP.HCM đều liên quan đến nguồn vốn thực hiện. Theo đó nhiều ý kiến cho rằng TP nên tận dụng các cơ chế, chính sách của Nghị quyết (NQ) 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để có nguồn vốn lớn thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị này…
Nhà ở trên và ven kênh rạch đang làm xấu đi hình ảnh TP.HCM
Theo ông Võ Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận 4, để công tác di dời nhà ở ven kênh rạch đạt kết quả cần tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của cộng đồng về việc hưởng ứng chương trình chỉnh trang đô thị. Mặt khác, thủ tục hành chính cần được rút gọn nhằm tạo sự thông thoáng sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia cùng chính quyền. Đồng thời, việc xác định vị trí tái định cư phải được thực hiện một cách cẩn thận và chi tiết để đảm bảo rằng khu vực mới đáp ứng đủ nhu cầu sống của người dân.
Kiến trúc sư Châu Mỹ Anh – Trường ĐH Văn Lang – chia sẻ, việc giải tỏa, di dời nhà ở trên kênh rạch chỉ là giải pháp trước mắt nhằm cải tạo môi trường sống của người dân tốt hơn, tránh những hệ lụy phát sinh từ nhà ổ chuột ven kênh rạch. Việc quy hoạch phải ở tầm nhìn lâu dài, tạo ra đời sống ổn định, việc làm, các chế độ giáo dục, y tế, xã hội cho người dân. Có như vậy việc di dời mới không phải chuyển các khu ổ chuột từ vị trí này đến vị trí khác.
TS. Võ Kim Cương cũng chia sẻ, cải tạo đô thị phải theo nguyên tắc hài hòa lợi ích các bên liên quan, trong đó đặc biệt quan trọng là giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Khi thực hiện dự án cần xác định rõ chủ thể các bên và lợi ích của mỗi bên để giải quyết…
Về nguồn vốn, TS. Dư Phước Tân – cộng tác viên Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng, NQ98 của Quốc hội mở ra nhiều cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư tiếp nối cho các chương trình quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc ưu tiên đầu tư. Một số điều khoản trong NQ98 có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa, di dời nhà ở trên, ven kênh rạch. Trong quy định về quản lý đầu tư, HĐND TP có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Mặt khác, trong quy định về tài chính và ngân sách Nhà nước, ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa, di dời, cải tạo nhà ở trên và ven kênh rạch.
7 năm chỉ di dời được 2.479 căn nhà ở trên và ven kênh rạch Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, công tác di dời nhà ở trên và ven kênh rạch đã được Đảng bộ TP.HCM quan tâm đặt ra từ năm 2016. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020 đặt ra chỉ tiêu di dời 20.000 căn nhưng đến nay mới chỉ di dời được 2.479 căn, tỷ lệ 12,4%. Hiện TP đang tiếp tục thực hiện 48 dự án vốn ngân sách và 6 dự án vốn ngoài ngân sách để di dời 20.381 căn. |
“Thông qua NQ98, nguồn vốn ngân sách đầu tư dành cho dự án giải tỏa, di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch có khả năng sẽ được giải quyết theo cơ chế mới”, ông Tân nói.
Đồng tình, ông Vương Quốc Trung – Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TP – cho rằng, TP cần xây dựng cơ chế linh hoạt trong việc di dời nhà ở trên, ven kênh rạch. Đây là một giải pháp đáng cân nhắc để giải quyết các thách thức, tối ưu hóa lợi ích cho cả cộng đồng và các bên liên quan. Trong đó, vận dụng cơ chế trong NQ98 để thực hiện một trong nhiều phương án nhằm triển khai hiệu quả công việc này. Ngân sách được sử dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân sống ven kênh rạch. Các quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách TP.
Theo ông Trung, dự án di dời nhà ở ven, trên kênh rạch đòi hỏi một số lớn vốn để thực hiện, bao gồm cả việc bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu dân cư tái định cư mới. Chẳng hạn, để giải tỏa 2.600 căn nhà tạm ven bờ Nam Kênh Đôi và xây kè thì cần khoảng 9.000 tỷ đồng; để thực hiện di dời 1.017 căn nhà lụp xụp phía bờ Bắc Kênh Đôi thì tổng ngân sách thực hiện là hơn 2.575 tỷ đồng. Đây là một con số khổng lồ, đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nguồn vốn. Do đó, ngoài xây dựng cơ chế linh hoạt thì TP cần tìm các nguồn vốn đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau như vốn Chính phủ, vốn từ nhà đầu tư, vốn vay của các tổ chức tài chính. TP cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào việc hỗ trợ tài chính cho dự án di dời nhà ở ven và trên kênh rạch thông qua hình thức đối tác công – tư (PPP).
Phú Cát
Bình luận (0)