Nhằm thực hiện tốt những yêu cầu của đổi mới giáo dục, thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới, xuyên suốt những năm vừa qua Trường TH Võ Văn Tần (Q.6) đã luôn chủ động, tiên phong trong đổi mới giảng dạy, ngày càng khẳng định được vị thế chất lượng giáo dục trong lòng giáo dục quận nhà, nhận được sự tin yêu của học sinh, phụ huynh và xã hội.
Các tiết học được giáo viên mạnh dạn đổi mới bằng các phương pháp dạy học tích cực kết hợp với CNTT
Trường TH Võ Văn Tần là trường đạt chuẩn quốc gia với nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Hiện tại, trường đang xây dựng mô hình trường tiên tiến, hiện đại, với quyết tâm đào tạo ra thế hệ học sinh đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng những đòi hỏi của một công dân toàn cầu về kiến thức, kỹ năng.
Giáo viên Trường TH Võ Văn Tần chủ động xây dựng có hiệu quả tiết học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ dịch Covid-19
Trong hoạt động giảng dạy, đội ngũ giáo viên nhà trường với tâm huyết, lòng yêu nghề đã luôn nỗ lực đổi mới trong từng tiết học. Bên cạnh những phương pháp dạy học tích cực như bàn tay nặn bột, khăn trải bàn…, các tiết học trải nghiệm sáng tạo, tiết học bên ngoài không gian lớp học cũng được giáo viên thiết kế, linh hoạt đưa vào trong nhiều bộ môn, giúp các tiết học khô khan trở nên sinh động, độc đáo, mang lại hiệu ứng cao trong giảng dạy.
Học sinh thích thú trải nghiệm học tập và rèn luyện tại nhà thông qua các bài tập trải nghiệm thú vị
Trong năm học 2019-2020, giáo viên nhà trường đã thực hiện nhiều tiết học theo định hướng mới, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của học sinh. Bước ra bên ngoài không gian lớp học truyền thống, kiến thức môn học mang đến sự thích thú cho học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh hơn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, như: Tiết học ngoài trời được tổ chức tại Thảo Cầm Viên; Tiết học tích hợp toán – tiếng Anh trong chuyên đề Open house; Chuyên đề dạy âm nhạc, hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Dinh Thống Nhất… Công tác giảng dạy được giáo viên thiết kế theo hình thức cá thể hóa, cho phép kiến thức “tiệm cận” đến từng đối tượng học sinh. Tiếng Anh, tin học được nhà trường đẩy mạnh.
Hoạt động thiện nguyện hỗ trợ học sinh vùng khó khăn luôn được nhà trường quan tâm, qua đó giáo dục học sinh tình yêu thương, chia sẻ
Để giáo viên có sự chủ động, mạnh dạn đổi mới trong hoạt động giảng dạy, xuyên suốt năm học, công tác bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên luôn được lãnh đạo nhà trường chú trọng. Song song với bồi dưỡng theo quy định của ngành, trong suốt các năm học, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó đặc biệt quan tâm đến lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận và nắm rõ tinh thần của chương trình mới, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy vai trò chủ động của người giáo viên trong chương trình mới. Không chỉ trong chuyên môn, các giải pháp dạy học lịch sử địa phương, địa lý địa phương cũng được nhà trường chú trọng xây dựng trong nội dung tập huấn, giúp giáo viên chủ động, mạnh dạn khi thiết kế nội dung giảng dạy. Chính sự tiên phong, chủ động này, các tiết học được lồng ghép nội dung về lịch sử, địa lý địa phương, bồi đắp cho học tình yêu về quê hương, đất nước. Đây được coi là bước thuận lợi để giáo viên nhà trường thực hiện Chương trình GDPT 2018, bước đầu áp dụng trong năm học 2020-2021 ở bậc lớp 1.
Hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Dinh Thống Nhất
Trong lộ trình đổi mới giáo dục, sẵn sàng thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, việc ứng dụng CNTT được nhà trường phổ biến rộng rãi trong hoạt động giảng dạy, học tập. Điều này đã giúp phát huy hiệu quả tích cực hoạt động dạy và học trong thời gian học sinh nghỉ dịch Covid-19. Nhà trường đã tận dụng tối đa ứng dụng của internet và mạng xã hội trong xây dựng, bằng nhiều hình thức đã thiết kế các tiết dạy trực tuyến, giao bài tập, tương tác giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên, nhà trường. Các nội dung học tập được xây dựng thông qua các trò chơi gắn với tâm lý lứa tuổi từng khối lớp, có sự tham gia của phụ huynh, vừa trang bị kiến thức cho học sinh một cách nhẹ nhàng, vừa hỗ trợ nâng cao cho học sinh kỹ năng mềm như ý thức tự học, ý thức phụ giúp gia đình, gắn kết tình cảm gia đình…
Đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường TH Võ Văn Tần Q.6
Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường. Thư viện nhà trường hàng năm luôn được bổ sung thêm nhiều đầu sách mới, phù hợp lứa tuổi học sinh. Không gian thư viện được mở rộng, đưa “vườn trường” vào trong không gian đọc sách, tạo sự hứng thú, thoải mái cho học sinh, thu hút học sinh đến với sách. Hàng tháng, thư viện trường tổ chức hoạt động giới thiệu sách. Bên cạnh đó, sách còn được nhà trường chủ động “mang” đến học sinh thông qua các hoạt động giao lưu, giới thiệu sách theo chủ đề gắn với mục tiêu giáo dục, được lồng ghép trong các chuyên đề về giá trị sống, về lịch sử. Học sinh lớp 1 được làm quen với thư viện thông qua các hoạt động đặc sắc. Từ việc xây dựng, đổi mới văn hóa đọc, học sinh nhà trường đã bồi đắp tình yêu với sách, nâng cao các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, tinh thần cho học sinh. Ngoài ra, hàng năm, hoạt động thiện nguyện luôn được nhà trường đẩy mạnh, thông qua các hoạt động thiết thực như trao học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập… hỗ trợ học sinh vùng khó khăn…, từ đó giáo dục học sinh nhà trường tinh thần chia sẻ, yêu thương, tương thân tương ái…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)