Được biết đến là đơn vị luôn mạnh dạn trong đổi mới giáo dục, trong năm học vừa qua Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) đã có “bước tiến lớn” về dạy học trực tuyến. Từ việc là giải pháp tạm thời trong thời gian học sinh nghỉ chống dịch Covid-19, nhà trường đã xây dựng được kế hoạch, mục tiêu bài bản, đưa dạy học trực tuyến trở thành phương pháp dạy học thường xuyên, song song với dạy học trực tiếp.
Đội ngũ giáo viên luôn chủ động, tích cực trong việc dạy học trực tuyến
Dựa trên đặc thù học sinh, điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường đã linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành giáo dục. Với lợi thế đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, sáng tạo, từ những buổi tập huấn sử dụng phần mềm VNPT, giáo viên nhà trường đã chủ động tự nghiên cứu, vận dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy, thiết kế bài giảng. Việc học trực tuyến được thiết kế tương đương như học trực tiếp với thời khóa biểu của từng bộ môn. Mỗi tiết học trực tuyến bao gồm 3 nội dung chính: Củng cố nội dung; Bài giảng của giáo viên; Bài tập kiểm tra, đánh giá. Phần mềm dạy học trực tuyến được nhà trường sử dụng một cách đồng bộ, giúp giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Ban lãnh đạo nhà trường thuận lợi trong quá trình kiểm tra việc học trực tuyến của học sinh, kịp thời động viên học sinh tham gia. Đặc biệt, tính đồng bộ này sẽ giúp đội ngũ CNTT, Ban lãnh đạo của trường sớm có giải pháp can thiệp đối với các tình huống phát sinh trong dạy học trực tuyến.
Các video bài giảng được xây dựng một cách chỉn chu, hiệu quả
Song song với thiết kế tiết học trực tuyến trong chương trình học, nhằm tăng tính hiệu quả trong dạy học trực tuyến, Trường THCS Lê Văn Tám còn xây dựng các video bài giảng dưới dạng chuyên đề, chủ đề, linh hoạt trong từng bộ môn, tập trung nhiều vào khối lớp cuối cấp. Các video bài giảng này sẽ được đăng tải trên website trường, kênh Youtube của trường, được đội ngũ giáo viên giỏi, nhóm trưởng chuyên môn duyệt nội dung trước khi đăng tải. Để có thể xây dựng được những video bài giảng chất lượng, thu hút học sinh, Ban lãnh đạo nhà trường đã thiết kế một phòng học thành phòng studio với đầy đủ ánh sáng, thực hiện những video quay trực tiếp tại trường. Cạnh đó, dữ liệu các bài giảng trong các tiết học trực tuyến cũng đều được nhà trường đưa lên website trường, tạo điều kiện để học sinh, phụ huynh dễ dàng ôn tập.
“Trước khi đưa dạy học trực tuyến vào chương trình giảng dạy, nhà trường đã thực hiện khảo sát về điều kiện, trang thiết bị học của học sinh. Từ việc khảo sát đó, nhà trường có kế hoạch cụ thể hơn đối với từng đối tượng học sinh, làm sao để việc học trực tuyến thực sự đạt được hiệu quả, đảm bảo tính tương tác, tiếp cận được đến toàn thể học sinh nhà trường”, thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Bằng tinh thần chủ động, mạnh dạn, sáng tạo, việc học trực tuyến của trường trong thời gian nghỉ dịch đã đạt được nhiều tín hiệu vui. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ tham gia của học sinh các khối lớp luôn đạt 100%, đồng thời huy động được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ phía phụ huynh. Từ đó, ổn định được kết quả học tập của học sinh nhà trường. Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh giỏi của trường đạt 80,5%, cao hơn 4,07% so với năm học 2018-2019 (76,43%). Tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 các trường THPT công lập đạt tới 96,4% – cao nhất trong toàn quận.
Với nỗ lực, sự cố gắng của thầy và trò, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm học vừa qua giáo dục của nhà trường vẫn đạt được nhiều thành tích cao
Trong năm học 2020-2021, để tăng tính chủ động, nâng cao chất lượng giáo dục và đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường THCS Lê Văn Tám sẽ phối hợp với VNPT xây dựng thí điểm một phòng học thông minh. Lấy nền tảng dạy học trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học, phòng học thông minh cho phép giáo viên, học sinh tương tác qua thiết bị hiện đại như bảng tương tác, iPad, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của giáo viên và tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học sinh. “Để sử dụng hiệu quả nhất phòng học thông minh, nhà trường thành lập nhóm công nghệ là các giáo viên có trình độ, hiểu biết về CNTT. Đội ngũ này sẽ được tập huấn, đi sâu vào việc soạn bài giảng, cách thức tương tác, sử dụng nguồn học liệu số…, từ đó nhân rộng cho giáo viên toàn trường”, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Song song với công tác bồi dưỡng giáo viên, việc chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT, từng bước “số hóa” môi trường học tập là một trong những mục tiêu mũi nhọn được Trường THCS Lê Văn Tám xây dựng trong năm học tới. Đây được coi là lộ trình đổi mới giáo dục, là bước chuẩn bị để nhà trường tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ đội ngũ, cơ sở vật chất…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)