Theo đánh giá của giới chuyên môn, nhạc Việt với những nét riêng đủ sức tạo nên sự khác biệt cho đời sống âm nhạc hiện đại
Âm nhạc của Rồng Vàng
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho biết với thể loại âm nhạc thuần Việt anh đang dốc sức thực hiện, các nhạc cụ tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam như tranh, sáo, bầu, nguyệt… cùng các giọng hò, điệu ca, tiếng hát của các ca sĩ dòng nhạc dân tộc sẽ là màu sắc chủ đạo cho dòng nhạc này.
Những năm gần đây, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từ chối nhiều lời mời về các dự án âm nhạc để tập trung vào xu hướng âm nhạc mà anh đặc biệt đam mê đó là những thanh âm, giai điệu mang thiên hướng hòa bình, tâm linh. "Tôi đang dành trọn thời gian cho thể loại âm nhạc với những âm thanh như tiếng nước chảy róc rách, tiếng gió rì rào, lá cây lao xao, tiếng chim hót hay ve kêu… để xoa dịu người nghe. Nói cho dễ hiểu, đó là loại âm nhạc chữa lành, trị liệu những tâm hồn đang trống rỗng" – nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bộc bạch.
Ngoài dòng âm nhạc của riêng mình, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sẽ hợp tác với nhạc sĩ Kitaro trong thời gian tới. Ảnh do nhạc sĩ cung cấp
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho sự ra mắt của dự án Rồng Vàng. Dự án này là một biểu tượng mới của khát vọng Việt do nhạc sĩ Võ Thiện Thanh phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM thực hiện để trình UBND TP HCM làm đề án cho mục tiêu xây dựng chương trình văn hóa nghệ thuật đặc thù cho TP HCM.
Màu sắc âm nhạc của Rồng Vàng sẽ ra mắt tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP HCM Hozo 2022, diễn ra trong trung tuần tháng 12 tới với sự tham dự của hơn 10 quốc gia sở hữu nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới. Tại đây, âm nhạc dân gian Việt Nam sẽ ra mắt khán giả như một điểm nhấn thú vị không chỉ cho khán giả nội địa mà cả du khách phương xa.
Dự án âm nhạc này sẽ có hành trình quảng bá tiếp cận với khán giả, đặc biệt công chúng trẻ. Dự án gồm 3 sản phẩm âm nhạc hòa tấu, mỗi sản phẩm gồm 10 làn điệu dân ca đặc trưng cho Bắc – Trung – Nam. Sản phẩm âm nhạc được phát hành rộng rãi trên các nền tảng nhạc số Itunes, Spotify… Điểm nhấn của dự án chính là chương trình "Golden Dragon Concert" (tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP HCM Hozo 2022), được xây dựng với dàn nhạc giao hưởng kết hợp với ban nhạc pop cùng các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, tạo nên thương hiệu văn hóa dân gian riêng của TP HCM.
Đưa nhạc Việt ra thế giới
Một trong những nghệ sĩ có sự kết hợp nhiều nhất với các nghệ sĩ tên tuổi ở nước ngoài phải kể đến là Ngô Hồng Quang. Anh có thể chơi được nhiều nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn K’ny, đàn tính, đàn chiêng dây… và sở hữu một giọng hát đậm chất dân gian.
Sẵn đam mê sáng tạo cùng với mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới, kết hợp với những kiến thức được tiếp thu ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, Ngô Hồng Quang đã bước vào những cuộc tìm tòi sáng tạo.
Trong sản phẩm âm nhạc mang chủ đề "Tình đàn" mới nhất của Ngô Hồng Quang, anh đã mời hai nghệ sĩ nước ngoài cùng tham gia là Pape Dieye – nghệ sĩ đàn ngoni và bộ gõ người Senegal và Alireza Mortazavi là nghệ sĩ đàn saturn người Iran.
Điểm gặp nhau của 3 nghệ sĩ mang 3 quốc tịch khác nhau chính là tư duy làm nghệ thuật. Không chỉ tìm tòi, bảo tồn những giá trị âm nhạc truyền thống mà họ còn dấn thân để tìm kiếm vị thế cho âm nhạc truyền thống trong thời đại mới. Vì vậy, cuộc trò chuyện giữa các nhạc cụ dân tộc Việt Nam với cây đàn santur của Iran, đàn ngoni và bộ gõ của Senegal đã rất hài hòa, ăn ý.
Kitaro lừng danh là một trong số ít nhạc sĩ đại thụ trong nền nhạc thiền NewAge Nhật Bản, tác giả những bản nhạc hòa tấu đỉnh cao. Ông chuyên sử dụng trống Bát Nhã và các loại nhạc cụ khác để tạo nên loại âm nhạc tuyệt vời cho hòa bình và tâm linh. Giới chuyên môn nhận định "sự xuất hiện của Kitaro trên sân khấu đủ sức truyền tải cảm hứng và niềm đam mê cho người hâm mộ".
Từ chối tiết lộ cụ thể về hành trình "bắt tay" thực hiện dự án âm nhạc với huyền thoại âm nhạc Kitaro, do vậy thông tin nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sẽ hợp tác cùng Kitaro đang được dư luận đặc biệt chú ý và chờ đợi.
Theo Thùy Trang/NLĐO
Bình luận (0)