Năm học 2022-2023, hình thức kiểm tra trắc nghiệm môn ngữ văn lần đầu tiên được các trường THPT tại TP.HCM triển khai trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 đối với khối lớp 10 – khối lớp đầu tiên bậc THPT thực hiện Chương trình GDPT 2018.
ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi (áo đen, ngồi) trong lần hỗ trợ thầy, trò Trường THPT Lương Thế Vinh trong môn ngữ văn Chương trình GDPT 2018
Xung quanh cách thức ra đề kiểm tra này, phóng viên Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để giúp các nhà trường, giáo viên có thêm góc nhìn về hình thức đánh giá mới mẻ này.
+ Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng ra đề kiểm tra trắc nghiệm ở môn ngữ văn đang được nhiều trường THPT tại TP.HCM lần đầu tiên triển khai trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học này đối với khối lớp 10 – khối lớp đầu tiên ở bậc THPT thực hiện Chương trình GDPT 2018?
– ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi: Công văn 3175 được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21-7-2022 đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc đổi mới kiểm tra đánh giá. Mới đây Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có những hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về việc ra đề kiểm tra định kỳ đối với các lớp đang dạy học theo chương trình Ngữ văn 2018.
Việc dạy học phát triển năng lực cần đi kèm với hoạt động kiểm tra đánh giá theo năng lực – đưa học sinh vào tình huống mới tương tự tình huống đã học để kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng của các em. Do vậy, việc các trường THPT ra đề kiểm tra định kỳ giữa học kỳ 1 theo hướng trắc nghiệm (kết hợp tự luận) và sử dụng ngữ liệu ngoài SGK là thực hiện đúng tinh thần của những định hướng chuyên môn, phục vụ tốt mục tiêu hình thành và phát triển năng lực cho học sinh.
+ Nhìn vào xu hướng, ông đánh giá như thế nào về mức độ kiến thức, kỹ năng đối với một số đề kiểm tra trắc nghiệm đã được các trường THPT triển khai?
– Theo dõi các đề kiểm tra định kỳ, tôi thấy giáo viên đã ý thức rất rõ được tầm quan trọng của những yêu cầu cần đạt được nêu ra trong chương trình Ngữ văn 2018. Yêu cầu cần đạt chính là cơ sở để lựa chọn nội dung dạy học, phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá.
Việc căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình để thực hiện đề kiểm tra là điều vô cùng quan trọng, giúp kiểm tra được chính xác mức độ học sinh đáp ứng các chuẩn kiến thức, kỹ năng đã được đặt ra, khiến đề tập trung vào nội dung dạy học cụ thể bám sát thể loại văn bản đối với đọc và kiểu văn bản đối với viết, tránh những sa đà vào ngữ liệu chưa chuẩn hoặc những câu hỏi không phù hợp như trước đây.
Đa số ngữ liệu trong đề được lựa chọn cẩn thận, phù hợp; câu hỏi được phân bổ đầy đủ theo các mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, kết hợp hài hòa hình thức trắc nghiệm và tự luận. Đặc biệt, trong đề thi đã có những câu hỏi mở để học sinh có thể nói lên quan điểm, trình bày ý kiến cá nhân của mình.
+ Một cách khách quan nhất, theo ông hạn chế của cách ra đề kiểm tra trắc nghiệm môn ngữ văn hiện nay là gì?
– Một số ngữ liệu chưa được cân nhắc kỹ về dung lượng khi quá ngắn hoặc quá dài so với thời lượng làm bài. Một ít các đề kiểm tra chưa quan tâm đến nội dung tiếng Việt và cũng phân bổ hài hòa số lượng câu hỏi giữa các mức độ (với khối THPT nên chú trọng yêu cầu thông hiểu, vận dụng nhưng trong đề thi lại có khá nhiều câu hỏi ở mức nhận biết).
Với câu hỏi trắc nghiệm, một số phương án “mồi nhử” chưa tốt, đặc biệt là hình thức trình bày câu hỏi chưa được thống nhất nên cách hỏi, dấu câu, viết hoa/ viết thường ở đầu mỗi phương án… còn thiếu nhất quán. Và điều tôi e ngại nhất chính là việc các câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra đã được đưa ra thực nghiệm với một mẫu khảo sát nhất định nào đó hay chưa để có những phương án điều chỉnh, chẳng hạn như về độ khó, để có thể đáp ứng tốt mục tiêu kiểm tra đánh giá theo năng lực.
+ Để khắc phục những hạn chế này khi ra đề kiểm tra trắc nghiệm, theo ông trong quá trình dạy học giáo viên cần phải làm gì và khi ra đề cần lưu ý những điều gì?
– Tôi hoàn toàn chia sẻ với giáo viên về áp lực thời gian của việc đổi mới chương trình và SGK. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta cho phép bản thân vội vàng, thiếu cẩn trọng trong dạy học, đặc biệt với vấn đề kiểm tra đánh giá.
Tôi cho rằng trong quá trình dạy học, đặc biệt ở hoạt động khởi động, luyện tập, giáo viên nên tăng cường sử dụng câu hỏi trắc nghiệm để giúp học sinh kích hoạt kiến thức nền, củng cố lại những gì đã học và làm quen dần với hình thức kiểm tra đánh giá tuy không mới nhưng chưa được thuần thục khi thực hiện. Điều này sẽ tạo sự thi đua giữa các nhóm trong học tập, đồng thời nếu những câu trắc nghiệm ở hoạt động luyện tập được soạn kỹ, chuẩn thì giáo viên hoàn toàn có thể lấy kết quả này phục vụ cho việc đánh giá thường xuyên.
“Nếu kỹ lưỡng và xét thấy hình thức này có lợi ích lâu dài thì bộ và sở nên tập huấn và cung cấp tài liệu hay để thầy cô tham khảo thêm. Lúc đó, hiệu quả sẽ cao hơn. Đồng thời, cũng cần có bảng đặc tả các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng) như đã làm với đề thi tự luận. Chốt thang điểm cho phần trắc nghiệm (bao nhiêu điểm trong tổng số 10 điểm) và bao nhiêu câu trắc nghiệm trong một đề là vừa phải. Quy định các kỳ thi/ đợt thi nào mới áp dụng có hình thức thi trắc nghiệm” – thầy Trần Văn Đúng – giáo viên ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) cho biết. |
Muốn vậy, giáo viên cần chú ý đọc thêm lý thuyết về việc xây dựng đề trắc nghiệm, tham khảo một số tài liệu trắc nghiệm ngữ văn uy tín để có thể hoàn thiện dần kỹ năng thực hiện câu hỏi theo hình thức này.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh làm việc nhóm, hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động của tổ chuyên môn (xây dựng ngân hàng đề thi, phản biện đề kiểm tra, đề nghị, nghiên cứu bài học…) gần như là yêu cầu quan trọng hàng đầu giúp giáo viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
Khi ra đề kiểm tra trắc nghiệm, giáo viên nên chú ý đến một số tiêu chí như sự tương thích giữa dung lượng và thời gian làm bài, khả năng bao quát các yêu cầu cần đạt, sự phù hợp với tâm lý lứa tuổi khi lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu. Bên cạnh đó, cần phân bổ hài hòa số lượng câu hỏi giữa các mức độ, tạo “mồi nhử” tốt, trình bày nhất quán với các câu hỏi trắc nghiệm cũng là điều phải quan tâm.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)