Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non, đang được TP.HCM hiện thực hóa trong đổi mới giáo dục và chăm sóc trẻ.
Việc đổi mới hướng tới việc trẻ được tự mình trải nghiệm, học hỏi kiến thức
Theo kế hoạch, đến năm 2024 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chương trình GDMN mới với những đổi thay hướng đến thực tiễn và chất lượng hơn, nhằm bắt kịp với thế giới và tiệm cận với Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp phổ thông.
Mọi đổi mới vẫn hướng đến trẻ là trung tâm
Cô Hồ Thị Thảo – Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 Thành phố nhìn nhận, chương trình GDMN mới không phải là khái niệm nào đó xa lạ mà thực chất vẫn hướng đến mục tiêu xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tuy nhiên, ở đó trẻ được chú trọng nhiều hơn các hoạt động phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ bên cạnh dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển một cách toàn diện nhất.
“Ở thời điểm này, nhà trường đã và đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất nhằm tạo môi trường chăm sóc, giáo dục tốt nhất cho trẻ. Giáo viên cũng đã thực hiện nâng chuẩn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giáo dục trẻ. Đặc biệt, chương trình giáo dục trẻ đang được nhà trường chuyển sang hướng mở, để trẻ tiếp cận nhiều hơn với môi trường sống, đưa thiên nhiên vào trong nhà trường, lớp học, khiến trẻ rất thích thú” – cô Thảo chia sẻ.
Với mục tiêu xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, chuẩn bị lộ trình đáp ứng thay đổi của chương trình GDMN mới, Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình) đã thiết kế các chương trình giáo dục với đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho trẻ. Đặc biệt chú trọng những hoạt động vận động, đưa trẻ đến gần với thiên nhiên…
Cô Phan Thị Ánh Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hàng tháng nhà trường đều tổ chức các chương trình, ngày hội vui nhộn, nhiều màu sắc phù hợp với lứa tuổi cho trẻ, vừa giáo dục trẻ khả năng nhận thức văn hóa, lịch sử, vừa trang bị cho trẻ các kỹ năng, sự tự tin, mạnh dạn… Nếu như trước đây phụ huynh và thậm chí cả giáo viên vẫn còn quan điểm rằng bậc học mầm non trẻ còn nhỏ, gửi trẻ ở trường chỉ đơn thuần là nhờ cô trông giúp trẻ, thì với mục tiêu hiện nay, GDMN là nhằm hướng đến trang bị và phát triển cho trẻ đầy đủ về nhận thức, năng lực, kỹ năng, trẻ được học theo đúng lứa tuổi, có các kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh…
“Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm theo mục tiêu của chương trình GDMN mới sẽ càng giúp hiện thực hóa hơn nữa môi trường GDMN mà ở đó trẻ học mà chơi, chơi mà học. Khi thấy trẻ vui chơi, hào hứng, thích thú mỗi ngày đến trường, kể những câu chuyện ý nghĩa mà trẻ học được ở trường cho ba mẹ, phụ huynh đã từng bước thay đổi nhận thức, đồng hành và cùng phối hợp giáo dục chăm sóc trẻ”, cô Phan Thị Ánh Hiệp bày tỏ.
Tương tự, thầy Lê Công Sự (giáo viên Trường Mầm non Hoa Đào, Q.12) chia sẻ, nếu như phương pháp dạy học truyền thống trước đây là thầy cô thao tác, trẻ sẽ nhìn và làm theo thì với phương pháp giáo dục hướng tới trẻ làm trung tâm, trẻ sẽ trực tiếp làm, trực tiếp trải nghiệm để phát hiện kiến thức. Thầy cô chỉ đóng vai trò quan sát, hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết. “Sự đổi mới phương pháp giúp học sinh phát triển tốt hơn khả năng tư duy và sáng tạo, đồng thời phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, kích thích sự tò mò và khám phá kiến thức của trẻ. Đây cũng là mục tiêu mà giáo viên hướng đến trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đáp ứng những thay đổi tới đây của chương trình GDMN mới”.
Hiện thực hóa với sự đồng hành của phụ huynh
Phác thảo về bức tranh chương trình GDMN mới sẽ được Bộ GD-ĐT ban hành vào năm 2024, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, cho rằng chương trình GDMN mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để cơ sở dễ thực hiện và tiếp tục phát triển.
Chương trình cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế. Nên chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Cấu trúc và hình thức của văn bản chương trình cần phù hợp với cấu trúc của chương trình mang tính chất khung, về thể thức…
Các trường mầm non tại TP.HCM xây dựng mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm
“Mục tiêu nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành ở trẻ em những phẩm chất và năng lực mang tính nền tảng, phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào lớp một, tạo cơ sở cho việc học tập thành công ở cấp học tiếp theo và học tập suốt đời” – PGS.TS Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh.
Tại TP.HCM, nhiều năm nay chương trình GDMN đã được các nhà trường đổi mới, bám sát mục tiêu xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Các hoạt động đổi mới, tạo môi trường, mảng xanh trong giáo dục và chăm sóc trẻ được các nhà trường, giáo viên đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ rõ, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, môi trường mầm non đã bị tác động nhiều. Nhiều cơ sở mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập, nhóm lớp độc lập tư thục đến thời điểm này vẫn chưa thể khôi phục lại nguyên trạng.
“Mặc dù vậy, các nhà trường đã rất nỗ lực để xây dựng, hoàn thiện môi trường giáo dục tốt nhất trong việc chăm sóc trẻ khi đón trẻ trở lại trường. Sở GD-ĐT TP.HCM tăng cường tập huấn cho các nhà trường các tiêu chí để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm song song với việc tạo các cuộc thi, sân chơi để giáo viên mầm non được giao lưu, nâng cao tay nghề từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ bám sát các yêu cầu thực tế” – bà Điệp thông tin.
Bà Điệp đánh giá, đến thời điểm này dù còn không ít khó khăn về sĩ số, về trường lớp chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số cơ học, nhất là tại các địa phương chịu nhiều áp lực trong tuyển sinh đầu cấp như TP.Thủ Đức, quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… song các trường mầm non đã nỗ lực chuẩn bị, sáng tạo về phương tiện, đồ dùng dạy học, đổi mới về phương pháp giáo dục chăm sóc trẻ, sẵn sàng bắt nhịp khi chương trình GDMN mới được triển khai.
Yến Khương
Bình luận (0)