Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, giáo dục pháp luật cho học sinh, phát huy giá trị của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học là những điểm sáng về cách thức giáo dục chính trị tư tưởng của nhiều đơn vị trường học tại TP.HCM thực hiện trong thời gian qua.
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây trở thành không gian học tập ý nghĩa của học sinh, giáo viên nhà trường
Nhiều đổi thay trong xây dựng môi trường giáo dục
Tại Q.Gò Vấp – một trong những địa phương luôn chịu áp lực lớn về sĩ số trường lớp, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh luôn là vấn đề được ngành giáo dục quận này quan tâm hàng đầu, đặc biệt là nội dung phổ biến giáo dục pháp luật.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết, toàn quận có hơn 80.000 học sinh và 6.000 cán bộ, giáo viên nhân viên. Để nội dung giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục đã đa dạng hình thức tổ chức: Đưa lên website, sinh hoạt câu lạc bộ, niêm yết trong bảng tin, thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép trong hoạt động học tập ngoại khóa, chính khóa… Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác giáo dục pháp luật được linh hoạt chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến, góp phần tuyên truyền hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
“Từ việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, học sinh đã ý thức hơn việc chấp hành nội quy, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội. Đồng thời các em cũng đã thể hiện tốt hơn trong lối sống, hành vi, cách cư xử đúng đắn, có ý thức trách nhiệm hơn với cộng đồng. Đặc biệt, nhờ tuyên truyền phổ biến kịp thời các quy định pháp luật nên tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt thẩm quyền ngày càng giảm, ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ ngày càng gia tăng…” – ông Trịnh Vĩnh Thanh đánh giá.
Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thời gian qua Trường THPT Bình Phú (Q.6) đã tích cực xây dựng trường học xanh, sạch đẹp, nhà vệ sinh thân thiện, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà trường văn hóa.
Cụ thể, thầy Trần Nghĩa Nhân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường triển khai đa dạng các hoạt động như xây dựng khuôn viên nhà trường xanh, trồng nhiều cây xanh, bố trí thùng rác phù hợp. Quan tâm tăng số lượng nhà vệ sinh học sinh, đảm bảo mỗi dãy 5 phòng học có 1 hệ thống nhà vệ sinh học sinh, giáo viên riêng. Đặc biệt, từ năm học 2019-2020 đến nay nhà trường duy trì giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ cho học sinh qua việc lồng ghép trong dự án học tập môn sinh “Cải thiện nhà vệ sinh học sinh”.
“Nhà trường tăng cường giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường thông qua nhiều hoạt động như: đổi pin cũ lấy son xinh; thùng rác tái chế; làm sản phẩm tái chế từ vật liệu thải như chậu hoa, chậu cây, tranh vỏ sò, tranh từ vật liệu rác thải nhựa…
“Kết quả đạt được không chỉ là môi trường giáo dục nhà trường tích cực, thân thiện với những mảng xanh, mà quan trọng hơn cả là đã khuyến khích được học sinh tham gia các hoạt động và tự giám sát việc bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, tạo thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh nhà trường. Đặc biệt, còn tạo ra được sự đồng thuận của phụ huynh trong giáo dục học sinh” – thầy Trần Nghĩa Nhân nhìn nhận.
Kiên quyết khắc phục xem nhẹ chính trị tư tưởng
Cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) thừa nhận, ý thức về tầm quan trọng của việc giáo dục chính trị tư tưởng của một số học sinh trong nhà trường còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay chỉ thích thế giới ảo trên các trang mạng xã hội, thờ ơ cuộc sống xung quanh. Điều này gây khó khăn cho trường trong việc xây dựng hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh.
Dù vậy, hiệu trưởng này cho hay, nhà trường xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của trường. Trong đó, việc xây dựng, khai thác hiệu quả Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trở thành yêu cầu cấp thiết. Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường thực sự trở thành không gian giảng dạy, học tập với các bộ môn lịch sử, ngữ văn, giáo dục địa phương, giáo dục công dân và tổ chức các buổi học tập, sinh hoạt cho học sinh…
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong mỗi trường học không chỉ là không gian hữu hình, mà còn là nơi truyền bá, tiếp thu, thực hành, đánh giá, làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nơi tái hiện di sản văn hóa của Hồ Chí Minh; nơi làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Người được hội tụ, lan tỏa, thấm nhuần vào mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh.
“Việc tổ chức giảng dạy, học tập tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học là nhiệm vụ cần thiết, lan tỏa mạnh mẽ tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho giá trị tinh thần của Bác, tấm gương của Bác gần gũi, sinh động, hiện hữu thường xuyên thông qua sinh hoạt hàng ngày…” – cô Hoàng Thị Hảo nhấn mạnh.
37 học sinh được kết nạp Đảng trong năm học 2021-2022 Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 37 học sinh ở các trường THPT được kết nạp Đảng. Đây là con số đáng mừng thể hiện sự quan tâm của các cơ sở giáo dục và sự nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng của học sinh phấn đấu trưởng thành. “Năm học này, mong rằng các nhà trường sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên học sinh. Không chỉ là các trường THPT công lập mà các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm GDTX cũng cần phải quan tâm, làm sao tạo môi trường, cơ hội để học sinh được rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành không chỉ về kiến thức, nhận thức mà còn là lý tưởng cách mạng. |
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, công tác giáo dục chính trị tư tưởng năm học 2022-2023 sẽ khác với mọi năm. Trong đó, Sở GD-ĐT sẽ không ban hành 1 kế hoạch chung về chính trị tư tưởng, thay vào đó sẽ ban hành hướng dẫn.
Theo ông Trọng, nội dung mới trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh năm học này là xây dựng văn hóa học đường; kiên quyết khắc phục yếu tố thuần chuyên môn, xem nhẹ chính trị tư tưởng của các nhà trường. Do vậy, các nhà trường cần phải cụ thể hóa kế hoạch giáo dục, kế hoạch hoạt động của đơn vị mình, trong hoạt động chính khóa, hoạt động buổi 2, hoạt động ngoài giờ. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tổ chức tốt giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, quản lý trẻ em, phòng ngừa đuối nước, chăm sóc sức khỏe tinh thần, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Đặc biệt, khi tổ chức cần hướng các hoạt động đến tất cả đối tượng học sinh, đảm bảo học sinh là trung tâm của các hoạt động giáo dục.
Ông Trịnh Duy Trọng cũng lưu ý, việc giáo dục học sinh học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm học này cần được gắn với xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục, tăng cường truyền thông các hoạt động giáo dục toàn diện của mỗi cơ sở giáo dục và toàn ngành…
Yên Đỗ
Bình luận (0)