Sau TPHCM, Hà Nội đang chuẩn bị trình để thông qua đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1-2024, các tuyến phố đủ điều kiện có thể cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ.
Như vậy, sau 22 năm, tính từ Luật Giao thông đường bộ 2001, qua các lần sửa đổi đến năm 2008, Khoản 2 Điều 36 của bộ luật này vẫn tiếp tục quy định “trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”. Đến văn bản hợp nhất số 15 năm 2019 của Quốc hội tiếp tục nêu nội dung tương tự tại Điều 36 quy định liên quan đến sử dụng vỉa hè.
Điều đáng lưu ý là trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng hè phố từ chỗ được quy định chủ yếu ở điều khoản về các hành vi khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đến năm 2010 bắt đầu chuyển dần sang quy định chủ yếu ở điều khoản quy định về quản lý, khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, nghĩa là không chỉ nhìn nhận hè phố có chức năng giao thông mà còn chú ý đến chức năng khác, đặc biệt là chức năng bố trí các hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Ngay sau khi HĐND TPHCM khóa X thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố vào ngày 19-9-2023, trước ngày có hiệu lực (1-1-2024), trên nhiều tuyến đường ở các quận trung tâm thành phố đã tiến hành kẻ vạch khu vực bố trí xe gắn máy tự quản (khoảng 1,5m), đảm bảo phần lòng lề đường dành cho người đi bộ khoảng 2m, khắc phục tình trạng lộn xộn, nhếch nhác lâu nay. Cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế thì công năng vỉa hè, lòng lề đường tại TPHCM đều được khai thác và tận dụng tối đa.
Trong đó, chức năng lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết nối với các không gian khác (trong và ngoài công trình) được khai thác và đảm bảo khá tốt. Còn chức năng giữ an toàn cho người đi bộ, nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng lại bị “bóp nghẹt”; trong khi chức năng diễn ra các hoạt động kinh tế thì… nở nồi, tự phát, tính tổ chức, quản lý còn yếu và thiếu đồng bộ. Nhìn nhận công tâm thì vỉa hè chứa đựng từ đời sống xã hội đến văn hóa – ký ức tập thể. Do đó, không dễ cho cả người ban hành quyết sách và người áp dụng, tuân thủ, thụ hưởng cái quyết sách sách ấy một cách tuyệt đối, trọn vẹn.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, người nông thôn vẫn có thói quen thích tụ họp và thói quen ấy được kéo giữ khi họ lên thành phố và sử dụng vỉa hè như khoảng trống gốc đa làng. Bên cạnh đó là tập tính sử dụng hàng rong, hàng quán trên vỉa hè cũng là thói quen đặc trưng của người Việt. Đây cũng chính là “thị trường” sôi động và có sức sống ngầm mãnh liệt tác động cả hai chiều: kinh tế tác động rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của vỉa hè và ngược lại, vỉa hè cũng là nơi tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế của người dân đô thị.
Chưa kể, là “đất nước xe máy” nên vỉa hè vừa là nơi tiếp cận linh động các dịch vụ do kinh tế vỉa hè mang lại vừa là điểm… tháo kẹt (xe) và thoát hiểm. Từ đó có thể thấy, với khoảng 12 triệu m2 vỉa hè, nếu chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường với giá 100.000 đồng/m2 /tháng thì mỗi tháng ngân sách có thể thu hàng trăm tỷ đồng. Một ước tính đã được đưa ra trước khi thông qua: ngân sách thành phố sẽ thu được khoảng 1.522 tỷ đồng/năm từ việc tính phí lòng đường, vỉa hè. Song, với những cơ sở nêu trên thì vượt lên cả phép tính trị giá chính là phép cận nhân tình, vỉa hè là không gian công cộng phải trả về cho cộng đồng. Việc thu phí cần được tính toán để sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả kinh tế từ nó phải được công khai và tái đầu tư – phục vụ cho cộng đồng.
Nơi đó có không gian mưu sinh, trú ngụ của những người lao động nghèo; nơi đó có không gian chuyển tiếp để những cư dân học tập, làm việc trong các khối nhà cao tầng tụ họp, thư giãn; nơi đó không đơn thuần là lối đi, nó còn dẫn người ta, nhất là du khách khám phá những tầng sâu, tiếp xúc người với người – linh hồn của một đô thị sống!
NGUYỄN QUÂN CÁT (theo SGGP)
Bình luận (0)